Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam 3 lần được vinh danh ‘Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á’
Ngoài giải “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, đô thị này còn vinh dự nhận giải “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam”.
Ngày 9/9 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã thông báo rằng, Thủ đô vừa giành được ba giải thưởng danh giá tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31.
Cụ thể, Hà Nội được vinh danh với các giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination), và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination).
Với việc liên tiếp nhận giải “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” trong ba năm 2022, 2023 và 2024, Hà Nội đã khẳng định vị thế nổi bật của mình trên bản đồ du lịch khu vực.
Đồng thời, việc lần thứ hai đạt giải “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” vào các năm 2023 và 2024 chứng minh sức hấp dẫn không ngừng của Thủ đô đối với du khách từ mọi miền đất nước và quốc tế.
Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Hà Nội nhận giải “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam”. Với hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mà còn trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá di sản văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Hà Nội không chỉ tự hào với hệ thống di sản phong phú mà còn nổi bật nhờ sự phát triển không ngừng của cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ và sản phẩm du lịch chất lượng cao. Những thành tựu này không chỉ nâng cao hình ảnh của Hà Nội trên trường quốc tế mà còn quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam ra toàn thế giới.
Những giải thưởng vừa nhận được khẳng định chiến lược phát triển du lịch bền vững của Hà Nội và sự nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn các giá trị di sản, đồng thời thúc đẩy sự phát triển hiện đại và thu hút du khách toàn cầu.
Trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ quan trọng nhằm phục hồi và phát triển du lịch với mục tiêu góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch và thu hút ngày càng nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Trong cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước diễn ra vào sáng ngày 23/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước, 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định cụ thể và rõ ràng vị trí và vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 TP thuộc Thủ đô, đó là thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, sẽ định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ. Thành phố thứ 2 trong Thủ đô là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học thuộc phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Việc bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam.