Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sắp có thêm tuyến đường rộng 50m
Quy mô mặt cắt ngang của đường rộng 50m, bao gồm 6 làn xe, dải phân cách và vỉa hè.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 4847/QĐ-UBND phê duyệt phương án và vị trí tuyến đường TD8 nối từ đường sắt Hà Nội – Lào Cai đến Khu công nghiệp Đông Anh, với tỷ lệ 1/500.
>> 'Nốt trầm' của đất nền phía Nam: 'Lặng sóng' chờ 'bão' chính sách
Theo quyết định, tuyến đường này do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập và đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định. Tuyến đường TD8 có điểm đầu tại giao cắt với đường sắt Hà Nội – Lào Cai hiện tại và điểm cuối giao với đường quy hoạch phía Nam Khu công nghiệp Đông Anh, dài khoảng 2,88km.
Hướng tuyến của đường sẽ được thiết kế phù hợp với các quy hoạch tổng thể về xây dựng, giao thông và các phân khu đô thị như N6, N7, GN và GN(B) của Hà Nội.
Theo kế hoạch, quy mô mặt cắt ngang của con đường sẽ rộng 50m, bao gồm: hai lòng đường mỗi bên rộng 11,25m (6 làn xe), dải phân cách giữa rộng 11,5m và vỉa hè hai bên rộng 8m.
Tại giao điểm giữa tuyến đường TD8 và tuyến đường sắt quốc gia vành đai phía Đông, cũng như đường Vành đai 3 Bắc sông Hồng sẽ xây dựng một cầu vượt trên dải đất rộng 28m. Lòng đường gom ở hai bên cầu rộng 7m mỗi bên, vỉa hè hai bên cầu rộng 4m.
Các nút giao của tuyến đường sẽ được bố trí cầu vượt tại những giao điểm quan trọng, còn các nút giao dọc tuyến đường sẽ là các nút giao đồng mức, xác định sơ bộ theo quy hoạch. Chi tiết sẽ được xem xét trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiểm tra và xác nhận bản vẽ theo quyết định đã được phê duyệt. UBND huyện Đông Anh sẽ chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan để công bố công khai hồ sơ quy hoạch tuyến đường, đồng thời triển khai việc cắm mốc giới và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai và trật tự xây dựng dọc hai bên tuyến đường sẽ được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Trong cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước diễn ra vào sáng ngày 23/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước, 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định cụ thể và rõ ràng vị trí và vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 TP thuộc Thủ đô, đó là thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, sẽ định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ. Thành phố thứ 2 trong Thủ đô là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học thuộc phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Việc bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam.
>> Sốc: Giá nhà ở xã hội Hà Nội tăng gấp đôi dù chưa bàn giao
Cận cảnh những chi tiết sáng loá trong căn hộ dát vàng 24K ở TP. HCM
Từ 1/10, tỉnh đông dân nhất Việt Nam áp dụng quy định mới về phân lô, tách thửa đất