Doanh nghiệp hạ tầng xây dựng 7 tháng đầu năm: Cổ phiếu tăng mạnh, kinh doanh bết bát
Sau 7 tháng, chỉ tính riêng VCG, HHV, C4G, PHC, CC1 đã trúng hơn 64.000 tỷ đồng giá trị thầu tại một số dự án đầu tư công.
Theo báo cáo của VNDIRECT Research, bên cạnh việc tham gia các gói thầu thành phần của dự án sân bay Long Thành, một số doanh nghiệp niêm yết trong 7 tháng đầu năm nay đã trúng nhiều dự án quy mô lớn khác.
Báo cáo ngành xây dựng – vật liệu xây dựng công bố ngày 2/8 của bộ phận nghiên cứu thuộc Chứng khoán VNDIRECT cho biết, các công ty niêm yết trong ngành xây lắp như Vinaconex (Mã VCG), Tập đoàn Cienco4 (Mã C4G), Tổng CTCP Xây dựng Số 1 (Mã CC1), Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã HHV), Xây dựng Phục Hưng Holdings (Mã PHC) đã liên tục trúng các gói thầu quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, có 6 dự án lớn VCG đã trúng thầu với tổng giá trị 17.904 tỷ đồng; C4G có 5 dự án liên danh trúng thầu tổng giá trị 15.703 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm.
Trong khi đó, 4 dự án nổi bật mà CC1 đã trúng thầu trong 7 tháng đầu năm có tổng giá trị 13.581 tỷ đồng. Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) dù chỉ có 2 dự án nhưng tổng giá trị trúng thầu lên tới 16.660 tỷ đồng.
PHC có phần khiêm tốn hơn với dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu HCM - ATCC/HCM có gí trị 317 tỷ đồng gồm Liên danh PHC - Công ty TNHH Bình Yên – CTCP Hạ tầng Toàn Cầu – CTCP SECUREPOWER thực hiện.
Những kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công, câu chuyện trúng thầu dự án đã giúp nhóm cổ phiếu đầu từ công (mảng hạ tầng - xây dựng) tăng mạnh từ đầu năm đến nay. HHV, PHC, HAN, CTD đang là các cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm.
Kỳ vọng đầu tư công là một chuyện song kết quả kinh doanh của nhóm này vẫn đang để lại không ít nghi ngờ.
"Thê thảm" nhất trong quý 2 vừa qua phải kể đến mức lỗ ròng 2,5 tỷ đồng của CC1. Trong khi đó, những gương mặt có cổ phiếu tăng giá mạnh 2 tuần gần đây như Phục Hưng Holdings, HAN Corp cũng chỉ lãi vỏn vẹn 0,8 tỷ và 8,7 tỷ đồng.
5 thành viên trong liên danh VIETUR (dự thầu gói thầu hơn 35.200 tỷ thuộc dự án sân bay Long Thành) gồm Vinaconex, Ricons, HAN Corp, Phục Hưng Holdings và Tổng CTCP Xây dựng số 1 chỉ ghi nhận vỏn vẹn 188 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2. Con số này thậm chí chỉ bằng 34,4% lãi sau thuế của Xây dựng Hòa Bình (thành viên thuộc liên danh Hoa Lư cũng dự thầu gói thầu 35.200 tỷ).
Mặc dù lãi đậm song Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 2.297 tỷ đồng - giảm 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các loại chi phi tăng mạnh khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 68 tỷ đồng. Nhờ 656 tỷ từ thanh lý tài sản cố định, Hòa Bình báo lãi trước thuế tăng vọt 585 tỷ đồng - gấp 8,5 lần cùng kỳ năm trước.
Có thể hiểu, lợi nhuận của HBC không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây dựng mà đến từ việc bỏ bớt khối tài sản của mình.
Hay như Tập đoàn Cienco 4 cũng chỉ thu về khoản lãi 36 tỷ đồng trong quý 2 - giảm 31% so với cùng kỳ.
Từng tự tin lợi nhuận quý 2/2023 sẽ gấp 3 lần quý 1, Cienco 4 (C4G) bất ngờ báo lãi vỏn vẹn 36 tỷ. Sau 6 tháng, công ty đạt 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tương đương 23% kế hoạch cả năm.
Trước đó tại ĐHCĐ thường niên 2023, cổ đông từng bày tỏ lo lắng về mục tiêu lợi nhuận đầy "tham vọng" của Cienco4. Tuy nhiên, lãnh đạo cho biết các hợp đồng trong năm 2023 đã có mức giá ký mới tốt hơn nên khả năng hoàn thành kế hoạch là khả quan.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc C4G từng tự tin chia sẻ: Lợi nhuận quý 2/2023 sẽ gấp 3 lần quý 1 bởi theo cập nhật chỉ trong vòng hơn 20 ngày đầu quý 2 đã gần bằng quý 1. Dù vậy, trên thực tế, kết quả cho thấy mức lãi quý vừa qua chỉ bằng 90% so với đầu năm.