Doanh nghiệp rượu bia lao đao, sắp đối diện với 'cú sốc chưa từng có'
Nếu chính sách này thông qua, doanh nghiệp sản xuất rượu bia sẽ lâm vào cảnh "khó chồng khó".
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, dự kiến áp dụng từ năm 2026 đến năm 2030.
Theo 2 phương án đề xuất, rượu từ 20 độ trở lên có thể bị áp thuế từ 70%-90% (phương án 1) hoặc từ 80% -100% (phương án 2) so với mức thuế 65% hiện nay.
Đối với rượu dưới 20 độ, thuế suất có thể tăng từ 35% lên 40%-60% (phương án 1) hoặc 50%-70% (phương án 2). Tương tự, mức thuế cho bia cũng sẽ tăng lên từ 70%-90% (phương án 1) hoặc từ 80%-100% (phương án 2), thay vì 65% như hiện tại.
Sự thay đổi này đã gây ra nhiều lo ngại trong bối cảnh ngành rượu, bia đang gặp khó khăn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, trung bình mỗi tháng có hơn 17.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Chỉ số PMI dù tương đương với thời điểm tháng 4/2021, tuy nhiên sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa ổn định. Ngành rượu bia đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ từ chính sách tăng thuế mà còn từ các quy định pháp lý như Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống đã giảm liên tục từ năm 2021, thu ngân sách từ ngành giảm 10% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2023. Đặc biệt, lượng hàng tồn kho trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Việc tăng thuế mạnh có thể khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn, và giáng thêm một đòn mạnh vào người lao động trong ngành.
Theo Vietnamfinance, đại diện Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) cảnh báo rằng, nếu chính sách thuế mới được thông qua, ngành bia, rượu sẽ chịu một "cú sốc chưa từng có", dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sao cho đảm bảo cân bằng giữa nguồn thu ngân sách Nhà nước và sự sống còn của doanh nghiệp. Ông cho rằng việc tận thu thuế có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, dẫn đến việc suy kiệt nguồn thu dài hạn. Bên cạnh đó, ông cảnh báo rằng việc tăng thuế có thể kích thích sự phát triển của rượu, bia trôi nổi, nấu thủ công không qua kiểm định chất lượng, gây nguy cơ lớn về sức khỏe cộng đồng.
>> Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp lên tiếng 'kể khổ'
Doanh nghiệp rượu bia lo ngại trước đề xuất tăng thuế suất của Bộ Tài chính. Ảnh minh hoạ |
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng cần có một lộ trình tăng thuế hợp lý để không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động.
Việc tăng thuế đột ngột có thể khiến doanh nghiệp và thị trường rơi vào tình trạng "sốc", đặc biệt là khi ngành này đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Bà phân tích rằng nếu thuế tăng quá nhanh và cao, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng rượu, bia nhập lậu hoặc tự nấu, gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Bà Cúc cũng lưu ý rằng thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, nghĩa là giá bán rượu, bia sẽ tăng tương ứng khi thuế tăng, nhưng việc kiểm soát tiêu dùng không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn cần các biện pháp hỗ trợ khác như xử lý nghiêm gian lận thương mại và kiểm soát sản xuất rượu thủ công.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết nhưng cần cân nhắc cách thức và lộ trình áp dụng sao cho hợp lý.
Ông đưa ra 5 lưu ý quan trọng: Cần có lộ trình tăng thuế dài hơi, có thể bắt đầu từ năm 2027, để doanh nghiệp có thời gian thích ứng;
Phải xác định rõ mức thuế suất cao nhất đến năm 2030 là bao nhiêu, tránh mức quá cao làm giảm doanh thu và tác động tiêu cực đến nguồn thu của Nhà nước;
Thuế suất áp dụng cho bia nên khác với rượu và ở mức thấp hơn, đặc biệt đối với bia có nồng độ cồn 0% thì không nên đánh thuế;
Cần xem xét lại chính sách thuế nhập khẩu đối với rượu để đảm bảo sự công bằng với sản phẩm trong nước;
Ngoài việc tăng thuế, cần kết hợp với các biện pháp khác như tăng cường kiểm soát sản xuất rượu thủ công và gian lận thương mại để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn thu thuế.
Những đề xuất này nhấn mạnh rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia cần được triển khai một cách thận trọng, đi kèm với các biện pháp quản lý khác nhằm đảm bảo không chỉ nguồn thu mà còn cả sức khỏe và an toàn cho cộng đồng.
>> Tập đoàn Thành Công 'chốt' thời gian vận hành nhà máy ô tô công suất lớn đầu tiên tại Quảng Ninh
Thụy Sĩ tài trợ 1,2 triệu USD, đưa chuyên gia đến giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi
Dự án trại heo giống cụ kỵ 1.800 tỷ của ông Trần Bá Dương tại Bình Định có tin vui mới