Đối thủ của Viettel Post (VTP) khai trương trung tâm trung chuyển lớn nhất miền Bắc, khai phá 'mỏ vàng' 25 tỷ USD
Với diện tích 38.000m2, 23 cổng vào, 150 cổng ra, cùng hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hiện đại, trung tâm này sử dụng hệ thống 'mắt thần' DWS tự động kiểm tra barcode, cân nặng và kích thước, đảm bảo phục vụ tối ưu lượng hàng hóa lớn.
Theo Báo Giao thông, sáng ngày 9/1, J&T Express khai trương trung tâm trung chuyển lớn nhất miền Bắc tại Mê Linh, Hà Nội. Trung tâm đặt tại vị trí chiến lược của TP Hà Nội, thuận lợi cho việc giao nhận hàng hóa cho thành phố và các tỉnh thành phía Bắc.
Với diện tích 38.000m2, 23 cổng hàng vào và 150 cổng hàng ra, trung tâm có hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hàng hóa hiện đại với các lớp kiểm soát bằng hệ thống máy DWS tích hợp kiểm tra tự động quét barcode, cân nặng và kiểm tra kích thước, đảm bảo khả năng phục vụ tối ưu cho lượng hàng hóa lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, kể cả trong các dịp cao điểm. Được biết, DWS - viết tắt của Dimension Weight Scanning Machine, được coi là “mắt thần” trong lĩnh vực logistics. Đây là hệ thống tự động đo kích thước, cân và đọc mã vạch giúp tự động hóa các quy trình phân loại hàng hóa, giảm can thiệp thủ công của con người.
Trung tâm J&T Express Việt Nam được trang bị các thiết bị chuyên dụng chuẩn e-logistic như hệ thống ma trận phân loại hàng tự động, hàng vào cho tới khi hàng ra mất khoảng 3-5 phút cho 1 kiện hàng rời phân loại qua DWS, hệ thống crossbelt giúp phân loại kiện hàng nhỏ tự động giúp phân loại hàng hóa chuẩn xác tới 99% và hệ thống máy nạp liệu khu vực crossbelt giúp hiệu suất nạp liệu kiện nhỏ lên đến 99.000 đơn/giờ. Các công nghệ mới không chỉ giúp J&T Express Việt Nam tăng tốc độ xử lý hàng hóa mà còn giảm thiểu sai sót, nâng cao độ chính xác trong giao nhận. Điều này giúp công ty đáp ứng nhu cầu hiện tại và sẵn sàng đón đầu sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong tương lai.
Dây chuyền tự động phân loại hàng hóa của J&T Express Việt Nam (Nguồn: Báo Giao thông) |
Theo Bộ Công Thương, dự kiến sang năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD. Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội nhận định: "Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực".
Theo thông tin từ Datex, giao hàng chặng cuối, vốn chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hóa, hiện đang dần trở thành yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã làm nổi bật vai trò quan trọng của dịch vụ giao hàng chặng cuối, khiến các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư vào công nghệ và cải tiến quy trình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các công ty như Giao Hàng Nhanh (GHN), BEST Express Vietnam, Viettel Post (VTP), Nhất Tín Logistics và J&T Express hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, với những cải tiến đáng kể về dịch vụ và công nghệ.
J&T Express, một công ty logistics có trụ sở tại Indonesia, được thành lập từ năm 2015. Ngoài Indonesia, J&T Express hoạt động tại 13 thị trường, chủ yếu là Việt Nam, Malaysia, Brazil, Ả Rập Saudi và Trung Quốc. Đối tượng khách hàng chính của công ty là các đơn vị kinh doanh thương mại và người dùng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Taobao và Shein. Trước đó, công ty có kế hoạch IPO ở Mỹ nhưng sau đó chuyển hướng sang thị trường Hong Kong vào tháng 10/2023. Tại Việt Nam, J&T Express gia nhập thị trường từ tháng 7/2018. Tháng 5/2022, công ty khánh thành trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn nhất Việt Nam có diện tích tới 60.000 m2 tại phía Nam. Thời điểm đó, trung tâm này có công suất gần 4 triệu bưu kiện/ngày, giảm gần 50% nhân lực trong khi tự hành lên tới 99,99%.
Viettel Post (VTP) sẽ ra mắt robot giao hàng tự hành với tải trọng lên tới 400kg vào năm 2025
Cổ phiếu Viettel Post (VTP) thăng hoa, chính thức lọt rổ FTSE Vietnam Index