Doanh nghiệp A-Z

FECON (FCN) đề xuất áp dụng mô hình Trung Quốc, nâng vị thế nhà thầu Việt tại dự án đường sắt 67 tỷ USD

Ánh Nguyệt 01/12/2024 - 11:00

FECON (FCN) kiến nghị bổ sung cơ chế chỉ định nhà thầu xây lắp trong giai đoạn đầu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tương tự mô hình thực hiện tại Trung Quốc.

Theo báo Giao thông, vào sáng ngày 30/11/2024, tại trụ sở Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, chương trình “Cafe nhà thầu xây dựng” lần thứ 4 đã được tổ chức với sự chủ trì của Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC). Đây là diễn đàn để các doanh nghiệp xây dựng thảo luận, chia sẻ cơ hội, thách thức tại các dự án lớn, nổi bật là dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, gợi mở vấn đề: “Dự án đường sắt tốc độ cao dự kiến triển khai theo hình thức hợp đồng EPC với thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED). Câu hỏi đặt ra là các nhà thầu Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chí nào để tham gia dự án này? Quy định năng lực sẽ được xây dựng ra sao?”.

FECON (FCN) đề xuất áp dụng mô hình Trung Quốc, nâng vị thế nhà thầu Việt tại dự án đường sắt 67 tỷ USD
Toàn cảnh buổi gặp mặt, trao đổi giữa các đơn vị trong ngành xây dựng (Ảnh: Báo Giao thông)

Kiến nghị cơ chế đặc thù để nâng vị thế nhà thầu Việt

Theo ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Với tổng chiều dài 1.541km và tốc độ thiết kế lên đến 350km/h, đây là một trong 10 dự án đường sắt dài nhất thế giới và là tuyến đường có tốc độ cao nhất hiện nay tại Việt Nam.

Dự án bao gồm các hạng mục công trình như nền đường, cầu, hầm, ga, hệ thống điều khiển chạy tàu, phương tiện và cấp điện động lực. Trong đó, ông Vinh khẳng định, nhà thầu tư vấn và xây lắp trong nước hoàn toàn có khả năng đảm nhận cấu phần hạ tầng, gồm nền đường, cầu, hầm và các trạm bảo dưỡng.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng chỉ ra những thách thức lớn về năng lực thực hiện công trình tương tự. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa từng triển khai dự án đường sắt tốc độ cao, do đó cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ nhà thầu nội tham gia.

"Về năng lực tài chính, nếu chia các đoạn quá lớn, khả năng đáp ứng tiêu chí năng lực tài chính của nhà thầu sẽ bị hạn chế, cần nghiên cứu cơ chế cho phép các thành viên trong liên danh được cộng điểm tài chính…

Riêng với nhà thầu tư vấn, theo quy định, tư vấn tham gia thiết kế FEED sẽ không được tham gia trong tổ hợp tổng thầu EPC buộc tư vấn phải chọn nên làm bước nào. Cơ hội tiếp cận dự án bị thu hẹp", ông Vinh nói.

Thêm đó, lãnh đạo TEDI đề xuất nghiên cứu cơ chế cộng điểm năng lực cho các liên danh nhà thầu có tỷ lệ tham gia lớn từ doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, cần xem xét việc chấp nhận kinh nghiệm thi công các công trình tương tự như đường cao tốc, cầu dây văng quy mô lớn, thay vì yêu cầu công trình đường sắt cụ thể.

FECON (FCN) đề xuất áp dụng mô hình Trung Quốc, nâng vị thế nhà thầu Việt tại dự án đường sắt 67 tỷ USD
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong 10 dự án đường sắt dài nhất thế giới

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP FECON (HoSE: FCN) đề xuất thêm cơ chế chỉ định nhà thầu xây lắp trong giai đoạn đầu, tương tự mô hình triển khai ở Trung Quốc. Ông cho biết dự án Landmark 81 do CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) thi công là minh chứng rõ ràng về khả năng của nhà thầu Việt khi được tin tưởng giao việc.

Chủ tịch FECON còn nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia công trình trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến và xây dựng cơ chế khuyến khích liên kết giữa nhà thầu trong nước với đối tác quốc tế.

Liên minh nhà thầu Việt, đón đầu dự án đường sắt tốc độ cao

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường đoàn kết giữa các nhà thầu nội địa. Ông cho rằng, cạnh tranh khốc liệt trong công tác đấu thầu hiện nay làm suy yếu tiềm năng hợp tác và phát triển của ngành xây dựng Việt Nam.

Với khối lượng công việc lớn mà dự án đường sắt tốc độ cao mang lại, việc xây dựng một hiệp hội nhà thầu mạnh mẽ và đảm bảo cạnh tranh minh bạch sẽ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp Việt vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phát triển.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, VACC cam kết sẽ đề xuất với Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền về các cơ chế đặc thù nhằm nâng cao vị thế của nhà thầu Việt trong các dự án lớn. Điều này bao gồm việc xác định quy mô gói thầu phù hợp, xây dựng tiêu chí năng lực rõ ràng và minh bạch, cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà thầu nội địa và quốc tế.

Việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phải liên kết chặt chẽ, nâng cao năng lực và tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để khẳng định vị thế của mình.

Vào chiều ngày 30/11/2024, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư lên tới 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), được triển khai theo hình thức đầu tư công với mục tiêu hoàn thành cơ bản vào năm 2035.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541km, nối liền từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư bao gồm tuyến đường đôi khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế lên tới 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Dự án sẽ bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa và sử dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa, phục vụ cả nhu cầu vận tải hành khách và quốc phòng.

>> Quốc hội thông qua siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD: Hòa Phát, Coteccons và loạt doanh nghiệp đứng trước cơ hội chưa từng có

Đèo Cả 'bắt tay' Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM đào tạo hàng trăm nhân sự đường sắt, đón lõng dự án 67 tỷ USD

Hòa Phát (HPG): 'Quân bài' chiến lược mở đường vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/fecon-fcn-de-xuat-ap-dung-mo-hinh-trung-quoc-nang-vi-the-nha-thau-viet-tai-du-an-duong-sat-67-ty-usd-263216.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    FECON (FCN) đề xuất áp dụng mô hình Trung Quốc, nâng vị thế nhà thầu Việt tại dự án đường sắt 67 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH