Động thái mới của Bộ Công Thương trước sự 'đổ bộ' của Temu
Thời gian qua, sàn thương mại điện tử này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Việt nhờ vào mức giá cực kỳ cạnh tranh.
Gần đây website của Temu Việt Nam đã bắt đầu hiển thị giá sản phẩm bằng đồng Việt Nam và cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm. Đáng chú ý, thời gian giao hàng về Việt Nam chỉ mất vài ngày, kèm theo nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Ra mắt năm 2022, Temu - nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhanh chóng thu hút sự chú ý với mô hình bán hàng giá rẻ, vận chuyển miễn phí. Nhờ giá cả cạnh tranh, chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ và khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Temu đã đạt được những bước tiến thần tốc.
Nhiều mặt hàng trên Temu có giá giảm sâu, từ 2-3 lần so với giá gốc |
>> Bóng dáng 'tảng đá đen' nghìn tỷ USD của huyền thoại đầu tư Larry Fink tại Temu
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương vào chiều ngày 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có những ý kiến liên quan đến sự thâm nhập của các sàn bán lẻ Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao… vào thị trường Việt Nam. Thứ trưởng cho biết, theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, mọi sàn TMĐT muốn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều phải tuân thủ quy định đăng ký.
Thứ trưởng Tân cũng chia sẻ sự bất ngờ trước mức giá rẻ của nhiều sản phẩm trên các sàn này. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, trước khi có thể kết luận về chất lượng sản phẩm, cần phải tiến hành điều tra và nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Bộ Công thương đang triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, giao cho Tổng cục Quản lý thị trường kiểm soát về vấn đề này", Thứ trưởng cho hay.
Về tác động của các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu đối với thị trường Việt Nam và các loại sàn khác, Thứ trưởng Tân cho biết Bộ Công Thương đang giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá những ảnh hưởng này. Khi có kết quả đánh giá, Bộ sẽ đề ra các giải pháp nhằm quản lý và kiểm soát hoạt động của sàn Temu.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, mặc dù Temu chưa công bố chính thức về việc gia nhập thị trường Việt Nam, nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn có thể truy cập các cửa hàng trên điện thoại, tải ứng dụng và mua sắm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng hiện nay vẫn chưa có đánh giá đầy đủ về tác động của việc bán hàng siêu rẻ trên nền tảng này, và cần thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn.
>> Đôi dép 28 nghìn, ốp điện thoại 37 nghìn, 'cơn bão' Temu có đe doạ hàng Việt?