Công nghệ

DRAM trên SSD là gì mà ai cũng nên biết trước khi mua?

Gia Bảo 15/07/2025 5:20

DRAM là yếu tố then chốt quyết định hiệu suất và độ bền của ổ SSD mà nhiều người dùng thường bỏ qua khi lựa chọn thiết bị lưu trữ.

Khi lựa chọn ổ cứng SSD, người dùng thường gặp các thuật ngữ như "DRAM" hay "DRAM-less", dễ gây nhầm lẫn vì máy tính vốn đã có RAM riêng. Tuy nhiên, DRAM trong SSD không giống với RAM hệ thống. Đây là thành phần quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất và tuổi thọ của ổ đĩa.

DRAM trên SSD là gì mà ai cũng nên biết trước khi mua?
DRAM trong SSD không giống với RAM hệ thống

DRAM trên ổ SSD đóng vai trò như bộ nhớ đệm tốc độ cao, lưu trữ bản đồ dữ liệu tức là vị trí dữ liệu trên chip nhớ flash NAND. Nhờ vậy, bộ điều khiển SSD có thể truy xuất dữ liệu nhanh chóng thay vì phải quét toàn bộ ổ đĩa, đặc biệt hiệu quả trong các tác vụ truy cập ngẫu nhiên hoặc khi hệ thống hoạt động đa nhiệm.

Để giảm giá thành, một số nhà sản xuất đã loại bỏ DRAM khỏi SSD. Những ổ này gọi là DRAM-less vẫn cần lưu trữ bản đồ dữ liệu nhưng thực hiện điều đó trên chính bộ nhớ flash NAND vốn chậm hơn hoặc thông qua tính năng Host Memory Buffer (HMB). HMB cho phép SSD mượn một phần nhỏ bộ nhớ DRAM của máy tính để thay thế cho DRAM tích hợp.

Mặc dù HMB là giải pháp tiết kiệm, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Gần đây, bản cập nhật Windows 11 cuối năm 2024 đã gây ra lỗi màn hình xanh chết chóc (BSOD) trên một số ổ SSD 2TB của Western Digital và SanDisk do xung đột trong cách hệ điều hành mới phân bổ bộ nhớ HMB. Dù lỗi đã được khắc phục qua cập nhật firmware, một số người dùng vẫn gặp sự cố.

Việc sở hữu DRAM hay không phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng. Nếu bạn là người dùng chuyên nghiệp làm việc với các phần mềm đồ họa nặng như AutoCAD, Premiere hay thường xuyên thực hiện đa tác vụ thì ổ SSD có DRAM sẽ mang lại hiệu năng vượt trội. Ngược lại, với những người dùng phổ thông chỉ lướt web, xem video, làm việc văn phòng thì ổ SSD không có DRAM vẫn đáp ứng tốt và tiết kiệm chi phí.

Ổ SSD có DRAM sở hữu nhiều ưu điểm như khả năng truy xuất dữ liệu nhanh hơn trong các tác vụ ngẫu nhiên, hiệu suất tổng thể cao hơn và độ bền tốt hơn nhờ khả năng cân bằng hao mòn hiệu quả. Tuy nhiên, chúng cũng có nhược điểm như giá thành cao hơn vài trăm nghìn đồng và tiêu thụ điện năng nhiều hơn do hoạt động liên tục của chip DRAM.

Tóm lại, DRAM trên SSD là một yếu tố quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết. Nếu bạn có ngân sách thoải mái và yêu cầu hiệu năng cao, hãy chọn ổ SSD có DRAM. Ngược lại, nếu chỉ cần lưu trữ và làm việc đơn giản, lựa chọn SSD không DRAM sẽ hợp lý hơn, miễn là bạn hiểu rõ nhu cầu sử dụng của mình.

>> Hệ điều hành hơn 20 năm tuổi vẫn âm thầm vận hành bệnh viện, tàu hỏa và nhiều hệ thống trên toàn cầu

Máy tính lượng tử đầu tiên bay vào vũ trụ, bước ngoặt mới cho nhân loại

Mỹ phát triển siêu máy tính để giải mã bí ẩn khoa học

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dram-tren-ssd-la-gi-ma-ai-cung-nen-biet-truoc-khi-mua-296299.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    DRAM trên SSD là gì mà ai cũng nên biết trước khi mua?
    POWERED BY ONECMS & INTECH