Dự án cao tốc hơn 18.000 tỷ đồng của Tập đoàn Đèo Cả có chuyển động mới
Đây là 1 trong 3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn gửi Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông và Vận tải; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hỗ trợ cơ chế cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Theo đó, việc thẩm định và quyết định cho vay, thu hồi nợ gốc, nợ lãi của các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của VDB và phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VDB nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trước đó, tháng 5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn đề xuất hỗ trợ cơ chế cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
>> Những dự án nào đang giúp hạ tầng giao thông Nam Định ‘lột xác’?
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao VDB tài trợ vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo quy định; thống nhất và chỉ đạo VDB chấp thuận cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với dự án với điều kiện vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước).
Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho VDB cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với công trình, với mức vốn cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước).
Được biết, dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66km, là 1 trong 3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Dự án này sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2026 để có thể khai thác đồng bộ với 2 phân đoạn còn lại của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương.
Tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND tỉnh Lâm Đồng trình Hội đồng Thẩm định liên ngành, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tăng 5,35% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, lên mức 18.120 tỷ đồng trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 36% tổng mức đầu), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.620 tỷ đồng (chiếm 64% tổng mức đầu tư).
UBND tỉnh Lâm Đồng tính toán, dự án có thời gian hoàn vốn lên tới 28 năm 7 tháng.
Đây là khoảng thời gian hoàn vốn, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, là quá dài, gây nhiều khó khăn cho việc thu xếp tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại.
Để tháo gỡ vướng mắc, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chi nhánh VDB Lâm Đồng và CTCP Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư đề xuất dự án) đã ký kết thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, tổng mức vốn mà VDB cung ứng theo nhu cầu của Tập đoàn Đèo Cả khoảng 20.000 tỷ đồng, đối tượng cho vay là dự án đầu tư hạ tầng giao thông thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay theo quy định, thời gian cho vay dự kiến trong giai đoạn 2024-2027.
Đây là nguồn vốn có thời gian, lãi suất ưu đãi hơn vốn vay thương mại thông thường.
>> Cập nhật tiến độ hai dự án đường sắt đô thị hơn 100.000 tỷ đồng tại Thủ đô Hà Nội
Ngắm cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam trước giờ thông xe
Chốt thời gian khởi công cao tốc dài 140km đi qua tỉnh Lâm Đồng