Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đầu tư 67 tỷ USD, dự kiến vay tối đa 30%
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vốn đầu tư 67 tỷ USD, đã được Quốc hội thông qua, hứa hẹn thay đổi diện mạo giao thông Việt Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính thức được Quốc hội thông qua
Chiều 30/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự án nhận được sự đồng thuận cao, với 443/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Dự án có tổng chiều dài 1.541 km, nối từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Được thiết kế vận hành với tốc độ tối đa 350 km/h, hệ thống bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, và áp dụng công nghệ đường sắt điện khí hóa hiện đại.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 1.713.548 tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, trải qua ba kỳ trung hạn từ 2021 đến 2035. Diện tích đất sử dụng ước tính khoảng 10.827 ha, trong đó có 3.655 ha đất trồng lúa và 2.567 ha đất lâm nghiệp. Số người cần tái định cư lên đến 120.836, đặt ra thách thức lớn trong công tác giải phóng mặt bằng và ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Hệ thống đường sắt này không chỉ phục vụ hành khách mà còn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng về quốc phòng, an ninh và khả năng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Toàn cảnh phiên họp, nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Nguồn vốn cho đường sắt tốc độ cao: Dự kiến vay tối đa 30%
Trước khi được thông qua, nhiều ý kiến tại Quốc hội yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và tác động đến bội chi ngân sách, nợ công trong trung và dài hạn.
Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng (hiện nay là Bộ trưởng Bộ Tài chính), liên quan đến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tác động nợ công, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư dự án hoàn thành vào năm 2035 là trong 12 năm, mỗi năm bình quân là 5,6 tỷ USD.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn, khả năng cân đối vốn, bố trí vốn để thực hiện Dự án, cụ thể: giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho Dự án khoảng 538 tỷ đồng (sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư) đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải; giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỷ đồng và giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 871.302 tỷ đồng.
Ông Thắng cho biết, dự kiến sẽ đi vay tối đa là 30%, tuy nhiên chưa quyết định việc vay trong nước hay vay ODA mà phụ thuộc vào hiệu quả của việc vay. Theo Bộ trưởng, “nếu vay ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc điều kiện thì tốt, còn nếu có ràng buộc điều kiện thì chúng tôi ưu tiên vay trong nước”.
Bên cạnh đó, để tránh chậm tiến độ và đội vốn như các dự án trước đây, hai hạng mục quan trọng là tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát sẽ được thuê nước ngoài. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần có các cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị và triển khai, nhằm đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch.
>> Kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để nhà thầu Việt tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để nhà thầu Việt tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Cần chỉ định thầu làm 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?