Dự án mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành lên 10 làn xe, quy mô hơn 15.000 tỷ có chuyển động mới
Theo đề xuất, dự án mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành có tổng chiều dài gần 22km.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương triển khai, hoàn tất các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc TP. HCM - Long Thành (thuộc tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây) ngay trong tháng 6/2025.
Theo đề xuất, dự án mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành có tổng chiều dài gần 22km, bắt đầu từ Km4+000 (nút giao Vành đai 2, TP. Thủ Đức, TP. HCM) đến Km25+920 (nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Cụ thể, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 đến Km8+770) sẽ được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch. Từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920), quy mô mở rộng là 10 làn xe.
Riêng cầu Long Thành sẽ được xây dựng thêm một đơn nguyên cầu mới với quy mô tương tự cầu hiện hữu, đảm bảo năng lực khai thác 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án vượt 15.000 tỷ đồng.
>> Đề nghị sớm phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng tòa nhà Hàm cá mập
Trước đó, vào tháng 4/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành văn bản chấp thuận phương án thực hiện dự án mở rộng đoạn cao tốc TP. HCM - Long Thành.
Theo đó, VEC được giao làm cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm triển khai dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Về nguồn vốn, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính đề xuất bố trí ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư, đồng thời yêu cầu VEC rà soát, tính toán kỹ lưỡng phương án tài chính, tổ chức triển khai dự án, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2026.
Để đảm bảo tiến độ, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục giao VEC làm chủ đầu tư dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời, đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương bố trí 6.500 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án, trong đó có 2.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, được xây dựng với quy mô 4 làn xe.
Đây là tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế vùng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến liên tục gia tăng, khiến cao tốc rơi vào tình trạng quá tải. Riêng đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai), lưu lượng xe đã vượt 25% so với năng lực thiết kế.
Đáng lo ngại, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác từ năm 2026, áp lực giao thông trên tuyến sẽ tiếp tục tăng mạnh, khiến cao tốc không còn đáp ứng được nhu cầu thông hành.
>> Chỉ 2 tháng nữa, tỉnh mới nhỏ nhất Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động