Thế giới

Dự án tàu đệm từ hơn 600km/h chậm tiến độ, đội vốn 1,6 triệu tỷ đồng

Tú Linh 25/07/2025 13:33

Trong thử nghiệm năm 2015, SCMaglev đã đạt tốc độ kỷ lục thế giới 603km/h. Công nghệ này sử dụng nam châm siêu dẫn được làm lạnh tới -269°C, cho phép tàu hoạt động ổn định, gần như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và ít cần bảo trì hơn so với tàu truyền thống.

Nhật Bản từng làm cả thế giới kinh ngạc vào năm 1964 với sự ra mắt của tàu cao tốc Shinkansen, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tokyo đến Osaka từ 7 giờ xuống chỉ còn 2 giờ rưỡi. Giờ đây, nước này một lần nữa nỗ lực viết lại lịch sử vận tải với dự án tàu đệm từ siêu tốc (maglev) – hứa hẹn rút thời gian xuống chỉ còn 67 phút.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, dự án đang trượt dài trong trì hoãn, với tiến độ chậm đến cả một thập kỷ và chi phí leo thang vượt quá 64 tỷ USD (khoảng 1,6 triệu tỷ đồng).

Khi tàu Shinkansen đầu tiên – Tōkaidō Shinkansen – lăn bánh năm 1964, phần còn lại của thế giới còn đang mải mê đầu tư vào ngành hàng không. Trong khi nhiều nước xem tàu hỏa là "tàn tích công nghiệp", Nhật Bản đã đặt cược lớn vào tương lai của đường sắt tốc độ cao.

Tốc độ tối đa 210km/h của Shinkansen lúc bấy giờ đã vượt xa mọi tàu truyền thống. Nhờ thiết kế khí động học, sử dụng nhiều động cơ điện thay vì một đầu kéo duy nhất, và chạy trên hệ thống đường ray riêng biệt được thiết kế thẳng và ít dốc, tàu Shinkansen mang lại một bước tiến đột phá.

Tuyến Tōkaidō kết nối Tokyo, Nagoya và Osaka đã kích hoạt làn sóng phát triển kinh tế chưa từng có: Rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, tạo công ăn việc làm và đưa Nhật Bản từ tàn tích hậu chiến đến "kỳ tích kinh tế Nhật Bản". Từ tuyến đầu tiên dài 515km, mạng lưới Shinkansen nay đã vượt 2.950km, đạt tốc độ tối đa 320km/h.

Bước tiến mới: Tàu đệm từ

maglevthumb1.jpg
Dự án Chuo Shinkansen – tàu đệm từ SCMaglev

Ngày nay, Nhật Bản không chỉ là quốc gia tiên phong mà còn là hình mẫu toàn cầu trong công nghệ đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ, Nhật Bản lại một lần nữa muốn tự vượt qua chính mình với dự án Chuo Shinkansen – tàu đệm từ SCMaglev.

Tàu đệm từ hoạt động dựa trên lực đẩy – hút từ tính, loại bỏ hoàn toàn bánh xe và ma sát. Khi đạt 150km/h, đoàn tàu sẽ được nâng lên bằng từ trường khoảng 10cm khỏi đường ray và sau đó tăng tốc vượt trội. Trong thử nghiệm năm 2015, SCMaglev đã đạt tốc độ kỷ lục thế giới 603km/h.

Công nghệ này sử dụng nam châm siêu dẫn được làm lạnh tới -269°C, cho phép tàu hoạt động ổn định, gần như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và ít cần bảo trì hơn so với tàu truyền thống. Đặc biệt, hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động – không cần người lái – được đánh giá an toàn tối đa.

Tương tự Shinkansen trước đây, tàu đệm từ cũng cần mạng lưới đường ray hoàn toàn mới – thẳng tắp, không bị cản trở bởi các tuyến cũ. Đây là nguyên nhân khiến chi phí đội lên hơn 64 tỷ USD.

maglev-magnets.png
Dự án sử dụng nam châm siêu dẫn được làm lạnh tới -269°C, cho phép tàu hoạt động ổn định

Tuyến đầu tiên nối Tokyo – Nagoya được khởi công từ năm 2009, dự kiến khai trương năm 2027. Tuy nhiên, tới tháng 3/2024, JR Central (Chủ đầu tư) tuyên bố không thể hoàn thành đúng hạn do bế tắc địa phương tại tỉnh Shizuoka – nơi 9km của tuyến phải đào hầm xuyên dãy Alps phía Nam.

Nguyên nhân chính là lo ngại tác động đến sông Oi – nguồn nước chính cho ngành nông nghiệp trồng chè của Shizuoka, chiếm khoảng 36% sản lượng chè toàn Nhật Bản. Tỉnh này không có nhà ga dọc tuyến, cũng không hưởng lợi du lịch – khiến người dân không mấy mặn mà.

Thống đốc tỉnh Shizuoka, ông Heita Kawakatsu, kiên quyết phản đối, lo ngại việc đào hầm sẽ làm giảm mực nước sông, ảnh hưởng tới chè, thủy điện và sinh kế của người dân.

Dù JR Central cam kết bơm nước ngược vào sông, báo cáo nội bộ cho thấy dòng chảy sẽ vẫn mất khoảng 2 tấn nước mỗi giây.

Tháng 9/2024, chính quyền mới đã bật đèn xanh cho JR Central tiến hành khảo sát địa chất – mở ra hy vọng khởi công đoạn hầm Shizuoka. Tuy vậy, nhiều khu vực khác cũng đang gặp khó khăn: Đất yếu ở tỉnh Aichi đã trì hoãn một đoạn hầm hơn 5 năm, đến tận năm 2030 mới hoàn thành.

Dù nhiều rào cản vẫn đang hiện hữu, tuyến đường sắt đệm từ của Nhật Bản gần như là một dự án không thể bị hủy bỏ – bởi quá nhiều lợi ích kinh tế, chính trị và công nghệ đang đặt cược vào nó. Tuy nhiên, đây cũng là minh chứng rõ ràng rằng gần như mọi siêu dự án đều phải đối mặt với trì hoãn.

Cả thế giới đang theo dõi với sự háo hức: Liệu Nhật Bản có thể hiện thực hóa tham vọng này không, và quan trọng hơn, liệu công nghệ đệm từ có thể được các quốc gia khác học hỏi và áp dụng thành công?

Tham khảo B1M

>> Chế tạo thành công tàu đệm từ tăng tốc lên 650km/h trong 7 giây, khiến thế giới ngỡ ngàng

Hạt gạo đẩy cả 1 siêu cường rơi vào khủng hoảng: Giá tăng gấp đôi bóp nghẹt các hộ gia đình Nhật Bản, Bộ trưởng mất ghế, LDP lao đao

Thủ tướng Nhật Bản xin lỗi sau khi nhận ‘phán quyết khắc nghiệt’

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/du-an-tau-dem-tu-hon-600kmh-cham-tien-do-doi-von-16-trieu-ty-dong-147352.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dự án tàu đệm từ hơn 600km/h chậm tiến độ, đội vốn 1,6 triệu tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH