Dự kiến kết thúc cấp huyện trước 30/6, tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trước 20/9
Ngày 7/4/2025, Chính phủ có Nghị quyết số 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ, ngành Trung ương chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm sau sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Ngoài ra, theo Kế hoạch, trước ngày 18/4/2025, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai đến các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị.
>>Thủ đô Hà Nội dự kiến giảm 50% xuống còn 263 đơn vị hành chính cấp xã
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, theo Kế hoạch, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước ngày 1/5/2025. Trước ngày 30/5/2025, Bộ Nội vụ thẩm định, lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Kế hoạch nêu rõ, trước ngày 1/5/2025, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án. Trước ngày 30/5/2025, Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Quốc hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20/6/2025.
Kế hoạch nêu rõ: “Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trước ngày 20/9”.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Trong đó, cả nước có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh.
Bên cạnh đó, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thuộc diện sắp xếp là thành phố Hà Nội, thành phố Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Việc sắp xếp này của Bộ Nội vụ căn cứ theo các tiêu chí mà Bộ Chính trị đã xem xét, thống nhất. Cụ thể, các tiêu chí khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm: diện tích tự nhiên, quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh.
Các bộ ngành sẽ làm gì để sáp nhập tỉnh, sắp xếp xã, không tổ chức cấp huyện?
Chọn chủ tịch tỉnh khi sáp nhập cần gắn với quy hoạch khóa mới, trẻ hóa lãnh đạo