Khám phá

Trung Quốc sắp vận hành đập thủy điện lớn nhất thế giới: Tương đương tòa nhà 100 tầng, sức chứa 110 triệu m3 nước, công suất 7 tỷ kwH/năm

Vũ Bấc 10/05/2025 - 15:11

Đập Shuangjiangkou ở tỉnh Tứ Xuyên dự kiến sẽ trở thành con đập thủy điện cao nhất thế giới, biểu tượng mới cho tham vọng năng lượng sạch của Trung Quốc nhưng cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi về tác động môi trường và xã hội.

Trung Quốc vừa bắt đầu tích trữ nước tại công trình thủy điện Shuangjiangkou (Song Giang Khẩu) ở tỉnh Tứ Xuyên – dự án sẽ trở thành con đập cao nhất thế giới khi hoàn thành.

Theo Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina), giai đoạn tích nước đầu tiên của đập bắt đầu từ ngày 1/5, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng đến vận hành toàn diện. Mực nước hiện đạt 2.344m, cao hơn khoảng 80m so với mức ban đầu.

Trung Quốc sắp vận hành đập thủy điện lớn nhất thế giới: Tương đương tòa nhà 100 tầng, sức chứa 110 triệu m3 nước, công suất 7 tỷ kwH/năm - ảnh 1
Đập thủy điện Shuangjiangkou (Song Giang Khẩu) ở tỉnh Tứ Xuyên dự kiếnd cao 315 mét khi hoàn thành

Dự án có tổng vốn đầu tư 36 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,9 tỷ USD), tọa lạc tại châu tự trị dân tộc Tạng và Khương Aba, phía Tây Nam Trung Quốc. Được khởi công từ tháng 7/2015, đập thủy điện này phục vụ mục tiêu phát điện và kiểm soát lũ, nằm trên thượng nguồn sông Dadu – con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy vào lưu vực Tứ Xuyên.

Khi hoàn thành, con đập sẽ đạt chiều cao 315m – vượt qua kỷ lục hiện tại là đập Jinping-I (cũng tại Tứ Xuyên) khoảng 10m. Đây là chiều cao tương đương một tòa nhà hơn 100 tầng.

Đập Shuangjiangkou có sức chứa ước tính 110 triệu mét khối nước, gấp gần tám lần thể tích Tây Hồ ở Hàng Châu. Dự kiến, tổ máy phát điện đầu tiên sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Khi vận hành toàn bộ, công suất lắp đặt của nhà máy đạt 2.000 megawatt, có khả năng cung cấp hơn 7 tỷ kilowatt-giờ điện mỗi năm – đủ cho nhu cầu của hơn 3 triệu hộ gia đình. PowerChina cho biết, nguồn điện sạch này có thể thay thế gần 3 triệu tấn than và giảm hơn 7 triệu tấn khí thải CO₂ mỗi năm.

Việc xây dựng đập Shuangjiangkou gặp nhiều rào cản kỹ thuật do công trình nằm ở độ cao hơn 2.400 mét, trong khu vực có địa chất phức tạp và yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt.

Trung Quốc sắp vận hành đập thủy điện lớn nhất thế giới: Tương đương tòa nhà 100 tầng, sức chứa 110 triệu m3 nước, công suất 7 tỷ kwH/năm - ảnh 2
Quang cảnh đập thủy điện Shuangjiangkou (Song Giang Khẩu) ở tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 5/2025

Theo bài viết đăng năm 2016 trên tạp chí khoa học Engineering (Kỹ thuật) của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, hai kỹ sư cấp cao tham gia dự án đã mô tả những "thách thức kỹ thuật cấp bách", bao gồm kiểm soát rò rỉ và thoát nước, khả năng chống động đất và quá trình thi công thân đập.

Để vượt qua các khó khăn này, các công nghệ hiện đại như robot, cảm biến và mạng 5G đã được ứng dụng. Robot lu lèn tích hợp cảm biến được bố trí xung quanh công trường để thu thập dữ liệu nhằm tối ưu hiệu suất. Máy bay không người lái cũng được triển khai để phát hiện các mối nguy tiềm ẩn về môi trường và địa hình.

Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều đập cao nhất thế giới. Kể từ những năm 1950, nước này đã xây dựng hơn 22.000 đập cao trên 15 mét – chiếm khoảng một nửa tổng số đập toàn cầu – phục vụ các mục tiêu như kiểm soát lũ, tưới tiêu và phát triển thủy điện.

Phần lớn các đập lớn của Trung Quốc tập trung tại khu vực Tây Nam, bắc qua các con sông lớn như Lan Thương (thượng nguồn của sông Mê Kông), Dương Tử và Kim Sa – những tuyến sông quan trọng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Dù các đập thủy điện của Trung Quốc được ca ngợi vì cung cấp nguồn năng lượng sạch và ổn định, nhiều chuyên gia và nhà bảo vệ môi trường lại bày tỏ lo ngại về những hệ lụy nghiêm trọng mà chúng gây ra.

Theo các nhà phê bình, việc xây dựng đập đã dẫn đến thiệt hại lớn về đa dạng sinh học, xói mòn đất, mất đi nhiều di tích văn hóa – khảo cổ, đồng thời buộc hơn một triệu người phải di dời. Những ảnh hưởng này được cho là "không thể đo đếm được" và cần được xem xét nghiêm túc trong các dự án tương lai.

Tuy nhiên, theo Tạp chí Kỹ thuật, dự án Shuangjiangkou đã có một số biện pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Một trong số đó là việc thành lập các vườn bách thảo để di dời và nhân giống các loài thực vật quý hiếm nằm trong khu vực xây dựng đập. Đây được xem là nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái địa phương trong bối cảnh phát triển hạ tầng quy mô lớn.

Tham khảo South China Morning Post (SMCP)

>> Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đập thủy điện 13.600 tỷ đồng hoàn thành vượt tiến độ 1 năm

Khoang tàu vũ trụ nặng 500kg từ thời Liên Xô sắp rơi tự do xuống Trái Đất

Trung Quốc phát triển công nghệ sản xuất gạch từ Mặt Trăng, chuẩn bị xây căn cứ vũ trụ vào năm 2028

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trung-quoc-sap-van-hanh-dap-thuy-dien-lon-nhat-the-gioi-tuong-duong-toa-nha-100-tang-suc-chua-110-trieu-m3-nuoc-cong-suat-7-ty-kwhnam-142051.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trung Quốc sắp vận hành đập thủy điện lớn nhất thế giới: Tương đương tòa nhà 100 tầng, sức chứa 110 triệu m3 nước, công suất 7 tỷ kwH/năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH