Du lịch phục hồi mạnh mẽ sau thời gian đại dịch Covid-19 đang tạo điều kiện thuận lợi cho bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương rục rịch trở lại.
Du lịch sôi động sau dịch bệnh
Kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa, các “thủ phủ” du lịch từ Bắc đến Nam như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Phú Quốc… đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng về lượng khách.
Trong đó, tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm, tỉnh ước tính đón được 5,5 triệu lượt khách, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu du lịch ước đạt 12.129 tỷ đồng, tăng 131,03% so với cùng kỳ, đạt 147,55% kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm.
Tại Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này ước đón trên 6,8 triệu lượt khách, trong đó có 44.550 lượt khách quốc tế, tăng 131,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang ước đón 3,5 triệu lượt khách, tăng 51,2% so với cùng kỳ. Riêng Phú Quốc khách đến thành phố Phú Quốc ước gần 2,4 triệu lượt, doanh thu ước đạt 2,84 nghìn tỷ đồng.
Còn tại Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách ước đạt 1,3 triệu lượt, tăng 33,7% so với cùng kỳ; đồng thời, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Mục tiêu chung năm 2022 trên cả nước đón 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều địa phương trong cả nước xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh quảng bá, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thanh khoản tăng, nhiều dự án được thi công trở lại
Sức nén từ đại dịch cộng hưởng với chính sách mở cửa hoàn toàn nền du lịch, năm 2022 được dự báo là năm bùng nổ của du lịch Việt Nam cũng như các sản phẩm bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, bất động sản nằm trong hệ sinh thái được quy hoạch bài bản, đồng bộ dẫn dắt xu hướng nhờ lợi thế về công năng sử dụng và tính thanh khoản tốt. Không những vậy, mô hình bất động sản này còn đảm bảo tính ổn định, bền vững về dòng tiền, thích hợp cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có sự hồi phục mạnh mẽ về du lịch. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thể tự tin đẩy mạnh tiến độ.
Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 21 dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép, trong đó, có 7 dự án đã hoàn thành và 14 dự án đang triển khai. Các dự án đang triển khai đa phần tập trung khu vực dọc ven biển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (khu vực 2 huyện Phú Lộc, Phú Vang).
Tại Quảng Trị, dự án Khu dịch vụ du lịch xã Gio Hải cũng đã được xây dựng trở lại, dự kiến giải phóng mặt bằng xong trong 7/2022 và đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.
Ông Trần Ngọc Thái, Phó Tổng giám đốc CTCP Đất Xanh Miền Trung cho rằng, hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu, các đường bay quốc tế đang mở lại, bình thường hóa, ngành du lịch nghỉ dưỡng đang chờ đợi để mang đến một cuộc lột xác về kinh tế cho các địa phương.
"Rất nhiều tỉnh thành miền Trung sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời đã tận dụng thành công nguồn lực này để phát triển ngành dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và các dịch vụ đính kèm như giải trí, mua sắm sang trọng... Các địa phương cần tận dụng xu hướng này để phát triển bất động sản cao cấp phục vụ kinh doanh, nghỉ dưỡng và các ngành nghề liên quan, lấy đây làm cơ hội bứt phá trở thành điểm đến mới của du lịch cả nước. Từ đó lấy đây làm động lực lâu dài để phát triển các trụ cột kinh tế du lịch, công nghiệp - năng lượng tái tạo, nông nghiệp", ông Thái góp ý.
Du lịch bứt tốc, kỳ vọng đà phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng
Doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thuấn muốn đầu tư nhà máy điện gió tại Trà Vinh