Bất động sản nghỉ dưỡng sắp trở lại “đường băng”

20-01-2022 09:24|Trâm Anh

Sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục và thức tỉnh thời gian tới.

Dưới tác động của dịch COVID-19 lần thứ 4, bất động sản nghỉ dưỡng chịu hậu quả nặng nề nhất. Thanh khoản của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng: condotel, biệt thự biển, shophouse biển suy giảm suốt 2 năm qua. Trong đó, thị trường condotel có kỳ ngủ đông dài khi nhiều tháng không có giao dịch phát sinh.

Giai đoạn căng thẳng nhất của đợt dịch lần thứ 4, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục chịu tác động nặng nề của việc phong tỏa. Các tài sản bất động sản nghỉ dưỡng hụt nguồn cầu do nhiều thành phố lớn vướng phong tỏa khiến thanh khoản xuống thấp kỷ lục.

Quý IV/2021, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng kỳ vọng chuyển biến tích cực khi nhiều tỉnh thành phía Nam dỡ phong tỏa, việc đi lại giữa các tỉnh thành và khu vực Bắc, Trung, Nam được kết nối trở lại.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát thì du lịch sẽ là ngành được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn, kéo theo đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nóng lên.

Thực tế, hàng loạt yếu tố tích cực bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2021 đã hâm nóng thị trường. Trong đó có việc Chính phủ mở cửa đường bay quốc tế. Điều này sẽ kích thích du lịch quốc tế trong thời gian tới ở mức giúp ngành bất động sản nghỉ dưỡng đỡ vất vả hơn năm 2021.

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 11/2021 đã có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sử dụng “hộ chiếu vaccine” theo Hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL thí điểm đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Như vậy, lần đầu tiên sau gần 19 tháng, ngành du lịch mới có con số thống kê về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu hết sức đáng mừng đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và những nhà đầu tư bất động sản du lịch nói riêng.

Bên cạnh đó, báo cáo quý III/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra rằng, dù giãn cách kéo dài nhưng giao dịch các dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm chào bán trong quý đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2,280 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 31,6%.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, 2 năm qua thị trường bất động sản du lịch gặp phải khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, bức tranh thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2022 có thể sẽ được cải thiện nhờ những quy định của Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang hoàn thiện; trong đó có những vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong xu hướng phát triển gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu xuất hiện rất nhiều tổ hợp du lịch lớn có quy mô, có nhiều chức năng đa dạng, thay thế cho những dự án nhỏ lẻ, những khách sạn hay những tòa condotel đơn độc trước đây. Những đại đô thị du lịch có chất lượng rất cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, giai đoạn 2022 - 2023, thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm một loạt thương hiệu mới như Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit and Wink Hotel.

Với đà bật từ việc mở các đường bay quốc tế đón khách du lịch cũng sẽ là điều kiện tốt cho ngành du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hồi phục. Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm một loạt thương hiệu mới như: Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit and Wink Hotel... Đây cũng là nguồn ngoại lực cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển.

Mặt khác, khi các thị trường truyền thống như Nha Trang, Đà Nẵng… bắt đầu bão hòa, sẽ là cơ hội cho những địa phương khác, nhất là những khu vực mới chưa được khai phá đang nắm giữ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng và chính sách đầu tư.

Giá trị hiện tại của bất động sản du lịch Việt Nam nằm ở lợi thế thiên nhiên ban tặng bờ biển dài, đẹp, nhưng nhiều năm qua chỉ phát triển condotel, resort, khách sạn đơn thuần, chưa tạo nên giá trị gia tăng đáng kể.

Với những nhà đầu tư ngoại, những thương hiệu khách sạn nổi tiếng của thế giới hướng vào thị trường Việt Nam, bất động sản du lịch Việt Nam hy vọng sẽ khắc phục được hạn chế yếu kém về dịch vụ đi kèm.=

Thị trường du lịch nghỉ dưỡng với chuỗi dịch vụ, hệ sinh thái các hoạt động vui chơi giải trí đi kèm phục vụ thúc đẩy tạo ra giá trị gia tăng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nên hướng tới trong tương lai để bứt phá mạnh hơn.

Thành phố đảo đầu tiên Việt Nam: Du lịch sẽ là 'chìa khóa' giúp bất động sản 'lên hương'?

Bình Thuận chi gần 8.000 tỷ làm tuyến đường với cầu vượt sông vượt cảng chạy dọc 'thủ phủ resort'

Lượt khách du lịch tăng 72%, thời điểm 'vàng' để bất động sản nghỉ dưỡng 'lên hương' đã đến?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-dong-san-nghi-duong-sap-tro-lai-duong-bang-121737.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bất động sản nghỉ dưỡng sắp trở lại “đường băng”
POWERED BY ONECMS & INTECH