Trong bối cảnh dư nợ bất động sản tại các ngân hàng "tăng tốc" trong những năm gần đây, đầu năm 2022, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát dòng tín dụng đổ vào vào lĩnh vực này.
Cho vay bất động sản tăng mạnh..
Theo số liệu được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tín dụng bất động sản tính đến tháng 11/2021 tăng trưởng 12% so với năm 2020 và chiếm khoảng 18 - 20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Với dư nợ cho vay toàn nền kinh tế vào cuối năm 2021 đạt hơn 10,44 triệu tỷ, ước tính dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản nằm trong khoảng 1,88 – 2,09 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý VI/2022 cho thấy, dư nợ lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở một số ngân hàng đã tăng thêm từ hàng trăm đến hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Tại Techcombank, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng vào cuối năm đạt hơn 128.000 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ, tương đương hơn 11% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 78% tổng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp. Nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản của ngân hàng này đạt trên 254.000 tỷ, tăng gần 51.500 tỷ và tương đương 73% tổng dư nợ.
Xem thêm: Techcombank: Dư nợ bất động sản tăng 400% sau 4,5 năm, nợ xấu nhảy vọt
Tại VIB, tính đến cuối quý IV/2021, cho vay lĩnh vực bất động sản của VIB đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và chiếm gần 42% tổng dư nợ của ngân hàng.
Tại VPBank, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng mở rộng thêm gần 25.500 tỷ lên trên 123.400 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay cá nhân mua nhà ở, quyền sử dụng đất ở là 54.352 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cuối năm 2020 và chiếm 15,3% tổng dư nợ. Cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 42.567 tỷ đồng, tăng 15,3% và chiếm 11,98%. Cho vay xây dựng hơn 26.492 tỷ đồng, tăng hơn 7% và chiếm 7,46% tổng dư nợ.
Dự nợ cho vay mảng xây dựng và kinh doanh bất động sản của MB tại thời điểm cuối năm 2021 là gần 35.155 tỷ đồng, tăng hơn 7.600 tỷ so với đầu năm. Con số này chưa tính lượng dư nợ cho vay dưới hình thức cho vay tiêu dùng hộ gia đình.
Tại MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng tăng hơn 61% trong năm 2021 đạt gần 26.312 tỷ đồng và chiếm gần 26% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 34,5% lên 12.136 tỷ đồng; cho vay lĩnh vực xây dựng tăng gần gấp đôi với 14.176 tỷ đồng.
Tương tự, TPBank cũng cho vay thêm hơn 1.900 tỷ đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng trong năm 2021, tương đương tăng 12,2%. Tại thời điểm 31/12/2021, dư nợ cho vay của TPBank đối với hai ngành nghề này đạt lần lượt 9.763 tỷ đồng và 7.776 tỷ đồng, tăng 20,4% và 3,5%.
Tại Kienlongbank, dư nợ cho vay mảng bất động sản và xây dựng vào cuối năm 2021 đạt gần 4.346 tỷ, tăng 706 tỷ so với cuối năm 2020, tương đương tăng 19,4%.
Ngân hàng Bản Việt cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở mức hai chữ số. Cụ thể, đến cuối năm 2021, ngân hàng này cho vay 7.267 tỷ, tăng 28,4% so với với cuối năm 2020 và chiếm 15,7% tổng dư nợ. Trong khi cho vay mảng xây dựng giảm 154 tỷ xuống còn 6.884 tỷ.
"Siết" dòng tín dụng chảy vào bất động sản
Trong bối cảnh dư nợ bất động sản tại các ngân hàng thương mại "tăng tốc" trong những năm gần đây, đầu năm 2022, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, NHNN cũng khẳng định, kiểm soát chặt không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản nữa mà chỉ hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội các ngân hàng vẫn cho vay.
Theo đó, nhiều ngân hàng gần đây đã ra thông báo "siết" chặt dòng tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản.
Tại Sacombank, ngân hàng cho biết sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Sacombank cho biết, ngân hàng sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Đáng chú ý, quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.
Tại Techcombank (TCB), ngân hàng mới đây cũng đưa ra thông báo tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022.
Với các khoản vay tạm dừng giải ngân nêu trên, đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để rời lịch giải ngân các khoản vay này sang ngày 1/4/2022.
“Với các hồ sơ đơn vị kinh doanh đánh giá thực sự ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán, cam kết của khách hàng, đơn vị kinh doanh gửi tổng hợp cho bộ phận Giải pháp phát triển vùng/ miền để tổng hợp. Căn cứ vào số liệu thực tế, Bộ phận Phát triển giải pháp Cho vay sẽ phản hồi cụ thể nếu còn hạn mức giải ngân”, thông tin từ Techcombank cho biết.