Quốc tế

Đức "nói mạnh" về cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine

Liên Hà 22/05/2024 - 07:51

Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài cuộc xung đột chứ không thể thay đổi kết quả cuối cùng.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Annalena Baerbock kêu gọi phương Tây “khẩn trương” cung cấp thêm vũ khí cho Kiev trong chuyến thăm Thủ đô Ukraine hôm 21/5. Tuy nhiên, lời kêu gọi của vị Bộ trưởng không nêu cụ thể về các biện pháp viện trợ mà Kiev cần, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải vật lộn để trụ vững trước đà tấn công hiện nay của Nga.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thăm Kiev, Ukraine, ngày 21/5/2024. Ảnh: RT
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thăm Kiev, Ukraine, ngày 21/5/2024. Ảnh: RT

Bà Baerbock ca ngợi “khả năng phục hồi ấn tượng” của Ukraine khi bà đến thủ đô của đất nước bằng tàu hỏa, đồng thời kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp “thêm nguồn lực phòng không” cho quân đội Ukraine.

Ngoại trưởng Đức cũng khẳng định nước này đã “dẫn đầu” trong sáng kiến này bằng cách “cung cấp thêm một hệ thống phòng thủ Patriot”.

Berlin đã cam kết gửi thêm một hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất tới Ukraine vào giữa tháng 4 nhưng không rõ liệu hệ thống này có thực sự được chuyển giao hay không.

Bản cập nhật mới nhất về hỗ trợ quân sự do Chính phủ Đức công bố vào cuối tháng 4 vẫn liệt kê là “hỗ trợ quân sự… trong kế hoạch”.

Theo AP, việc chuyển giao vũ khí từ các quốc gia phương Tây như Đức “diễn ra chậm” và các quan chức Kiev từng cho biết, quân đội nước này vẫn đang phải đối mặt với “sự thiếu hụt đáng báo động về lực lượng phòng không”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/5 khẳng định với Reuters rằng tất cả các khoản hỗ trợ quân sự mà các quốc gia phương Tây ủng hộ Kiev gửi cho Ukraine đều đối mặt với tình trạng chậm trễ nghiêm trọng.

“Mọi quyết định liên quan đến chúng tôi ước chừng đều bị trễ khoảng một năm,” ông Zelensky nói, mô tả điều này là “một bước tiến lớn, nhưng trước đó, lại lùi lại hai bước”.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Baerbock diễn ra trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công ở vùng Kharkov phía đông bắc Ukraine. Moscow đã phát động chiến dịch này vào đầu tháng 5 để đáp trả các cuộc tấn công liên tục của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở khu vực biên giới Nga. Trong số đó, một cuộc tấn công được cho là đã cướp đi sinh mạng của 19 người ở Vùng Belgorod chỉ trong một ngày trong tháng này, theo RT.

Cuối tuần trước, hàng chục thường dân đã bị thương trong một cuộc tấn công khác của Ukraine vào Vùng Belgorod, RT dẫn nguồn tin từ chính quyền địa phương cho biết.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc pháo kích vào các khu dân cư đang thúc đẩy Moscow tạo vùng đệm dọc biên giới với Ukraine. “Nếu điều này tiếp tục, chúng tôi sẽ buộc phải tạo ra một khu vực an ninh. Đây là những gì chúng tôi đang làm”, ông chủ Điện Kremlin khẳng định.

Theo AP, Ngoại trưởng Baerbock dự định đến thăm thành phố Kharkov vào hôm 21/5 nhưng lịch trình này đã bị đã bị hủy “vì lý do an ninh”. Quân đội Nga đã tăng cường tấn công trong khu vực và đang dần chiếm được vị trí ở phía bắc thành phố.

Cho tới nay, Đức vẫn là nhà tài trợ vũ khí lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, quốc gia này đã chi khoảng 10 tỷ euro (10,85 tỷ USD) để tài trợ vũ khí cho Ukraine từ tháng 1/2022 đến tháng 2/2024.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài cuộc xung đột chứ không thể thay đổi kết quả cuối cùng.

Nga thay Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng Mỹ nhận định về tiền tuyến Ukraine

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine

Nhược điểm lớn của quân đội Ukraine để Nga khai thác giành ưu thế

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/duc-noi-manh-ve-cung-cap-them-vu-khi-cho-ukraine.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đức "nói mạnh" về cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine
    POWERED BY ONECMS & INTECH