Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giúp giảm lượng phát thải khí, tiết kiệm hàng chục tỷ USD
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt liên vận quốc tế ở phía Bắc và liên vùng ở phía Nam có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính, tương đương hàng chục tỷ USD trong 2-3 thập niên tới.
Ngày 26/11, Báo điện tử VOV đã tổ chức sự kiện Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Theo đó, phát biểu tại sự kiện này, ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cùng các dự án đường sắt liên vận quốc tế ở phía Bắc và liên vùng phía Nam (TP. HCM - Cần Thơ) có thể làm giảm lượng phát thải nhà kính, có giá trị tương đương hàng chục tỷ USD trong 2-3 thập niên tới đây.
Theo như tính toán sơ bộ của các chuyên gia tư vấn thẩm định, Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam nếu được xây dựng là đường sắt lưỡng dụng, chở hàng kết hợp chở khách, Việt Nam có thể tiếp cận được khoản vốn vay ưu đãi từ quỹ Môi trường Xanh toàn cầu khoảng 9 tỷ USD.
Ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Báo Người Lao Động |
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá rằng chi phí logistics của Việt Nam cao khiến việc vận chuyển hàng hóa trong nội địa có thời gian dài hơn so với từ nước ngoài về Việt Nam.
Do đó, ông Sơn cho rằng việc xây dựng hạ tầng đường sắt là cần thiết trong giai đoạn tới.
TS. Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho rằng Việt Nam hiện đứng trước thách thức phải hành động ngay từ bây giờ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại, hướng đến việc phát triển bền vững.
Thiệt hại kinh tế do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 được ước tính khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,8% GDP. Dự báo đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại từ 12-14% GDP, đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Phối cảnh Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, tạo tiền đề quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, mở ra không gian phát triển kinh tế mới tái cấu trúc các đô thị, góp phần phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam...
Trong phiên thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, các ĐBQH đều đồng tình thống nhất với sự cần thiết của việc đầu tư tuyến đường sắt này.
Một số ĐBQH cho rằng với đặc thù địa hình việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra sự kết nối, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng chỉ tập trung vào một số tỉnh/TP lớn. Nút thắt về logistics cũng sẽ được "tháo gỡ" khi dự án này hoàn thành.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 67,34 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Theo các ĐBQH, một trong những điểm cốt lõi là cần chuyển giao công nghệ, cần làm chủ quá trình đầu tư tránh phụ thuộc vào công nghệ từ thời điểm đầu tư cho đến khi khai thác nhằm đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ.
Ngoài vấn đề băn khoăn về "đội vốn", nhiều ý kiến cũng đề cập đến vị trí đặt các ga; năng lực quản trị của dự án, nhân lực vận hành, chuyển giao công nghệ và làm chủ công nghệ, để Việt Nam có thể tự lực tự cường xây dựng nền công nghiệp đường sắt do người Việt Nam vận hành cũng như tự xử lý các vấn đề sau này.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỷ USD. Dự án này có tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm.
Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.
Trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, theo Tạp chí VnEconomy.
Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.
>> Từ năm 2025, Sơn La chính thức đưa 'xứ sở sương mù' nằm ở độ cao 1.000m 'cất cánh' lên thị xã
Đất một thôn ở Hưng Yên khởi điểm chưa đến 6 triệu/m2, đấu giá lên 110 triệu/m2
Liên danh Đèo Cả báo tin vui về dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh