Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD: Giá vé chính thức được hé lộ
Mức giá sử dụng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá là hợp lý với ưu điểm vượt trội về thời gian, an toàn...
Ngày 30/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 441/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Tốc độ 350km/h, kết nối 20 tỉnh, thành phố
Theo dự thảo, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có chiều dài khoảng 1.545km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Đường đôi với khổ rộng 1.435mm và tốc độ tối đa lên tới 350km/h.
Tuyến đi qua 20 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. HCM.
Tuyến đường chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, nhưng cũng có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu quốc phòng và an ninh.
Toàn tuyến sẽ có 23 ga hành khách, trung bình mỗi ga cách nhau khoảng 67km, được đặt tại các trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của các địa phương. Riêng tại Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận, mỗi tỉnh sẽ có 2 ga.
Ngoài ra, để hỗ trợ quốc phòng và vận tải hàng hóa, tuyến đường sắt sẽ có 5 ga hàng hóa tại các đầu mối quan trọng. Dự kiến xây dựng 5 depot cho tàu khách tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. HCM, cùng 4 depot cho tàu hàng tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ bao gồm 60% cầu, 10% hầm và 30% trên nền đất, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 43,7 triệu USD/km. Theo Chính phủ, mức này là trung bình so với các dự án đường sắt tốc độ cao tương tự trên thế giới.
>> Đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD: Huy động nguồn vốn từ đâu?
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vận tốc 350km/h, kết nối 20 tỉnh, thành phố. Ảnh vẽ từ AI |
Phân chia thành 4 dự án thành phần
Để đẩy nhanh tiến độ và huy động tối đa nguồn lực trong nước, Chính phủ đề xuất chia dự án thành 4 phần và triển khai đồng thời. Cụ thể:
- Dự án thành phần 1: Từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Vinh (Nghệ An), chiều dài 281km.
- Dự án thành phần 2: Từ ga Vinh đến ga Đà Nẵng, chiều dài 420km.
- Dự án thành phần 3: Từ ga Đà Nẵng đến ga Diên Khánh (Khánh Hòa), chiều dài 480km.
- Dự án thành phần 4: Từ ga Diên Khánh đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), chiều dài 360km.
Tổng mức đầu tư cho toàn dự án ước tính khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (67,34 tỷ USD), trong đó phần lớn chi phí dành cho xây dựng và thiết bị.
Tiến độ và giá vé
Dự kiến, trong giai đoạn 2025-2026, sẽ tiến hành đấu thầu và lựa chọn tư vấn quốc tế để khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc giải phóng mặt bằng và đấu thầu xây dựng các dự án thành phần dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2027, với mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Về giá vé, dự thảo đưa ra mức giá dự kiến cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tương đương 75% giá vé máy bay hàng không giá rẻ. Theo đó, vé hạng nhất sẽ có giá khoảng 6,9 triệu đồng, hạng hai là 2,9 triệu đồng, và hạng ba là 1,7 triệu đồng cho chặng Hà Nội - TP. HCM.
Mức giá này được đánh giá là hợp lý, thấp hơn vé máy bay nhưng cao hơn đường bộ, với ưu điểm vượt trội về thời gian, an toàn và chất lượng dịch vụ, nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ đường sắt tốc độ cao.
>> Đường sắt cao tốc Bắc Nam quy mô 67 tỷ USD: Yêu cầu đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể