Vì lý do này mà một số gói thầu trên tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đang phải nằm chờ, không thể triển khai để kịp tiến độ.
Đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Hồ Chí Minh dài 47km hiện đã ký hợp đồng 10 gói thầu xây lắp chính với tổng giá trị hợp đồng là 18.846 tỷ đồng (trong đó gói thấp nhất là 1.411 tỷ đồng, gói cao nhất 2.304 tỷ đồng). Để thi công dự án, các nhà thầu đã được tạm ứng với tỷ lệ từ 18-26% giá trị hợp đồng. Bên cạnh đó, mặt bằng dự án đã cơ bản được hoàn thành với tỷ lệ hơn 98,4%.
Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi này chưa đủ để dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có thể triển khai với hiệu suất theo đúng kế hoạch. Theo đó, dự án đang gặp phải vướng mắc do thiếu vật liệu xây dựng mà cụ thể ở đây là cát.
Hiện tại, đoạn qua huyện Bình Chánh, các đoạn tuyến đã được phát quang, dọn sẵn mặt bằng vẫn đang nằm chờ cát. Cũng vì thiếu cát, nhà thầu chưa hoàn thành đường công vụ để vận chuyển máy móc, thiết bị tiếp cận công trường.
Đoạn qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh là đường bằng nên cần cát san lấp nhiều hơn nhưng cũng gặp phải tình trạng tương tự. Đoạn qua thành phố Thủ Đức làm cầu cạn cần ít cát nhưng cũng chưa thể thi công đồng loạt. Với tình trạng này, nhà thầu thi công qua thành phố Thủ Đức đánh giá nếu không có biện pháp nào khác thì một số vị trí phải tới tháng 8/2025 mới xong việc xử lý nền và đến tháng 9/2026 mới hoàn thành cầu cạn. Điều này đồng nghĩa với việc không đảm bảo tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ.
Theo báo cáo dự án, đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 76km, đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự án cần cát san lấp với lượng khoảng 9,3 triệu m3. Hiện các nhà thầu đã đưa về dự án khoảng 0,4 triệu m3 cát san lấp, không đáp ứng tiến độ thi công.
TP. Hồ Chí Minh hiện đã kiến nghị điều chuyển một phần cát đắp tại các mỏ đang khai thác ở Đồng bằng sông Cửu Long cho đường Vành đai 3. Theo đó, dự án nào cấp thiết và nhu cầu cần tới trước sẽ được ưu tiên cung ứng vật liệu để đảm bảo triển khai đồng bộ các dự án cao tốc theo từng giai đoạn sao cho phù hợp.
Ngày 1/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ngay tổ công tác liên ngành để hỗ trợ giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp cho đường Vành đai 3 và các dự án cao tốc.
Được biết, để có thể trúng gói thầu xây dựng Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, nhà thầu cần phải chứng minh đáp ứng đủ khối lượng đối với vật liệu theo yêu cầu của gói thầu. Trước thời điểm thi công dự án, đánh giá về tình hình thiếu cát đang làm ảnh hưởng đến tiến độ, TS. Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan báo cáo thống kê là cơ bản đủ vật liệu cho dự án.
Nhưng, thực tế triển khai cho thấy cát san lấp đang thiếu và đang đe dọa tiến độ. Vì vậy cần xem lại công tác tham mưu, bởi đây là nền tảng để xử lý công việc chính xác và chuẩn mực trong các dự án trọng điểm.
Ông Thuận cho rằng dự án đường Vành đai 3 chậm ngày nào sẽ thiệt hại về kinh tế ngày đó. Vì vậy các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh thủ tục hành chính để sớm gia hạn, cấp phép mỏ cát phục vụ dự án. Cơ quan chức năng cần chỉ đạo lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy hỗ trợ, hướng dẫn các nhà thầu vận chuyển cát về công trường đảm bảo đúng tiến độ.
Diễn biến mới nhất tuyến đường 14.000 tỷ nối cao tốc với 'thủ phủ' ngành dầu khí của Việt Nam
Chiêm ngưỡng cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam trước ngày 'về đích'