Thế giới

EU sẵn sàng tung đòn trả đũa 100 tỷ euro nếu Mỹ áp thuế 30%

Vũ Bấc 25/07/2025 05:08

Cuộc đàm phán thương mại xuyên Đại Tây Dương bước vào giai đoạn căng thẳng trước thời hạn 1/8, EU đã chuẩn bị các biện pháp cứng rắn nhất nếu không đạt thỏa thuận với Mỹ.

Liên minh châu Âu dự kiến áp thuế 30% lên khoảng 100 tỷ euro (117 tỷ USD) hàng hóa Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận và Washington thực hiện lời đe dọa áp mức thuế tương tự đối với hầu hết hàng xuất khẩu của khối sau ngày 1/8.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu ngày 23/7 cho biết, gói thuế quan này sẽ kết hợp danh sách áp thuế trị giá 21 tỷ euro đã được phê duyệt với danh sách đề xuất 72 tỷ euro, tạo thành biện pháp trả đũa đầu tiên của EU.

Theo nguồn tin am hiểu, các mặt hàng chịu thuế gồm máy bay Boeing, ô tô sản xuất tại Mỹ và rượu whisky bourbon, với mức áp thuế ngang bằng đề xuất 30% của chính quyền Trump. Động thái này có thể tác động tới khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu 335 tỷ euro của Mỹ sang EU trong năm ngoái.

EU sẵn sàng tung đòn trả đũa 100 tỷ euro nếu Mỹ áp thuế 30% - ảnh 1
Nhà máy sản xuất máy bay chở khách của hãng Boeing tại Renton, Washington, Mỹ

Mức thuế quan này dự kiến có hiệu lực vào tháng 8, nhưng chỉ được triển khai nếu hai bên không đạt thỏa thuận và Mỹ thực hiện đe dọa áp thuế sau thời hạn 1/8 mới được Tổng thống Trump gia hạn.

Trên thị trường tài chính, đồng euro giảm 0,3% xuống 1,1723 USD sau khi thông tin được công bố, dẫn đầu đà giảm trong nhóm các đồng tiền chủ chốt. Trái phiếu chính phủ Đức cũng thu hẹp đà giảm trước đó.

Động thái cứng rắn từ EU diễn ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên, bao gồm Đức, ngày càng quyết liệt hơn trước lập trường cứng rắn của Mỹ trong đàm phán thương mại. Một quan chức chính phủ Đức giấu tên cho biết Berlin sẵn sàng ủng hộ việc kích hoạt Công cụ chống cưỡng chế (ACI) của EU nếu đàm phán thất bại.

Tổng thống Trump ngày 22/7 công bố hai thỏa thuận thuế quan mới với Philippines và Nhật Bản, trong đó mức thuế nhập khẩu thấp hơn đáng kể so với đề xuất ban đầu. Đáng chú ý, mức thuế Mỹ áp lên ô tô Nhật Bản giảm còn 15%, thấp hơn mức 25% đang áp dụng với các nhà xuất khẩu lớn khác, bao gồm EU.

Trong tuần này, lãnh đạo châu Âu có mặt tại Tokyo và Bắc Kinh để đàm phán với các đối tác thương mại lớn tại châu Á. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết các cuộc thảo luận với EU “đang diễn biến tích cực hơn trước”, song lưu ý khối 27 thành viên gặp khó khăn trong việc thống nhất hành động tập thể.

EU hiện còn lại gì trên bàn đàm phán?

Công cụ chống cưỡng chế (ACI) được xem là biện pháp thương mại mạnh nhất của EU và ngày càng nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên trong trường hợp đàm phán với Washington đổ vỡ. ACI vốn được thiết kế như một biện pháp răn đe, chưa từng được kích hoạt và chỉ có thể triển khai khi đạt được đa số ủng hộ đủ điều kiện. Công cụ này cho phép EU áp thuế mới với các tập đoàn công nghệ Mỹ, hạn chế đầu tư có chọn lọc và siết tiếp cận thị trường khối.

“Chúng ta đang tiến gần giai đoạn quyết định trong tranh chấp thuế quan với Mỹ. Chúng ta cần một thỏa thuận công bằng, đáng tin cậy với mức thuế thấp,” Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát biểu tại Berlin hôm 22/7 sau cuộc gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala. “Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ bất ổn kinh tế trong thời điểm quan trọng nhất".

Ủy ban châu Âu – cơ quan hành pháp của khối – hiện đang thảo luận về việc sử dụng ACI với các nước thành viên. Một số quốc gia đã thúc đẩy triển khai công cụ này, song phần lớn vẫn chờ diễn biến sau ngày 1/8 để quyết định.

Trong khi đó, ưu tiên hàng đầu của Brussels là duy trì đàm phán với Washington nhằm đạt thỏa thuận trước thời hạn chót tháng tới. Các cuộc thương lượng dự kiến nối lại vào ngày 24/7.

Theo BNN, Mỹ đang xem xét áp mức thuế gần như toàn diện, cao hơn 10% với hàng hóa EU, chỉ miễn trừ một số lĩnh vực như hàng không, thiết bị y tế và dược phẩm, một số loại rượu mạnh và một số bộ thiết bị sản xuất thiết yếu cho thị trường Mỹ.

Hai bên cũng thảo luận khả năng áp dụng mức trần cho một số ngành, hạn ngạch đối với thép và nhôm, cũng như cơ chế bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi tình trạng dư thừa kim loại. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần được Tổng thống Trump phê chuẩn, trong khi lập trường của ông vẫn chưa rõ ràng.

Đầu tháng này, ông Trump đã gửi thư cảnh báo EU về kế hoạch áp thuế 30% đối với phần lớn hàng xuất khẩu của khối, bắt đầu từ ngày 1/8. Bên cạnh đó, ông đã áp thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng, đồng thời tăng gấp đôi mức thuế với thép và nhôm. Nhà Trắng cũng đe dọa áp thêm thuế lên dược phẩm và chất bán dẫn ngay trong tháng tới, đồng thời gần đây công bố mức thuế 50% với đồng đỏ.

Kỳ vọng từ phía EU

Trước khi nhận được thư cảnh báo từ Tổng thống Trump, EU kỳ vọng đạt được một khuôn khổ sơ bộ để tiếp tục đàm phán chi tiết, dựa trên mức thuế chung 10% áp lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của khối. Dù hầu hết lãnh đạo và quan chức EU thừa nhận bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ bất lợi cho Washington và khiến EU phải chịu mức thuế cao hơn 10%, khối vẫn nỗ lực tìm kiếm các miễn trừ rộng hơn và bảo vệ khỏi các biện pháp thuế theo ngành trong tương lai.

Danh sách đáp trả 100 tỷ euro của EU sẽ bao gồm cả phản ứng đối với thuế phổ cập của Trump và các mức thuế áp lên kim loại, ô tô. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho khối Liên minh châu Âu chính là sức "chống chịu thuế quan" của các nền kinh tế rất khác nhau của các quốc gia thành viên.

Một số nước thậm chí sẵn sàng áp thuế trên 15% nếu đổi lại có đủ miễn trừ và phạm vi áp dụng rõ ràng, theo các nguồn tin am hiểu. Ngoài thuế hàng hóa, Ủy ban châu Âu cũng đang xem xét các biện pháp bổ sung như kiểm soát xuất khẩu, hạn chế một số dịch vụ và hợp đồng mua sắm công trong tương lai.

Tham khảo BNN, Reuters

>> Mỹ và EU tiến gần tới thỏa thuận áp thuế 15%

Quốc gia Đông Nam Á muốn Mỹ giảm thuế xuống còn 15%, khẳng định không có hàng trung chuyển

Dầu, khí, than Mỹ đồng loạt biến mất khỏi Trung Quốc: Cảnh báo cho vòng đối đầu mới?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/eu-san-sang-tung-don-tra-dua-100-ty-euro-neu-my-ap-thue-30-147448.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    EU sẵn sàng tung đòn trả đũa 100 tỷ euro nếu Mỹ áp thuế 30%
    POWERED BY ONECMS & INTECH