Tòa án Hồng Kông ra phán quyết yêu cầu Evergrande phải thanh lý tài sản để trả khoản nợ khổng lồ 300 tỷ USD, điều này dấy lên lo ngại nguy cơ rủi ro lan rộng.
Cổ phiếu Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã bị tạm dừng giao dịch sau khi giảm hơn 20% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Hai (29/1) ngay khi tòa án Hồng Kông ra phán quyết buộc Evergrande phải thanh lý tài sản để trả khoản nợ khổng lồ 300 tỷ USD.
Điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng tại Trung Quốc.
Diễn biến cổ phiếu China Evergrande Group. |
China Evergrande Group từng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất đất nước, trong vài năm gần đây đã chìm trong cuộc khủng hoảng nợ của Bắc Kinh. Trước khi tòa án ra phán quyết, doanh nghiệp này đã được gia hạn 7 lần trong hơn 18 tháng qua.
Trước đó, công ty bất động sản Trung Quốc đã lên kế hoạch cải tổ khoản nợ trị giá 23 tỷ USD. Nhưng kế hoạch này đổ bể vào tháng 9/2023, khi Nhà sáng lập công ty - Tỷ phú Hui Ka Yan đang bị điều tra vì "nghi ngờ phạm tội".
Evergrande đã vỡ nợ từ năm 2021 vì không thể trả nổi khoản nợ lên đến 300 tỷ USD.
Nguy cơ rủi ro lan rộng
Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Tài chính quốc gia này công bố các biện pháp giúp tăng cường thanh khoản cho các nhà phát triển bất động sản.
Các biện pháp được đưa ra sẽ có hiệu lực đến cuối năm nay, được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt kéo dài đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sau khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực này để giải quyết mức nợ quá lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của Evergrande làm dấy lên lo ngại lan truyền rằng những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các khu vực khác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Country Garden, cũng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc cũng đang phải vật lộn để trả hết nợ. Tuy nhiên, Country Garden cho biết vào tháng trước rằng, họ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ đối với trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.
Kể từ khi chính quyền trung ương Trung Quốc thắt chặt các quy định vào năm 2020, các công ty nắm giữ khoảng 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ. Trong khi đó, Bắc Kinh đang phải vật lộn với việc kinh tế trì trệ, thị trường bất động sản tồi tệ nhất trong 9 năm và thị trường chứng khoán gần mức thấp nhất trong 5 năm.
>> Novaland (NVL) tất toán lãi kỳ thứ 5 của lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng cho trái chủ