Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 7: Tỷ giá USD/VND còn biến động tới khi nào?
Sau phiên họp tháng 5 giữ nguyên lãi suất, các tín hiệu từ kinh tế Mỹ, diễn biến chính sách của Fed và xu hướng dòng vốn toàn cầu đang đẩy kỳ vọng thị trường về một đợt giảm lãi suất trong tháng 7. Tuy nhiên, với Việt Nam, bài toán không đơn giản là "Fed giảm – tỷ giá hạ nhiệt".
Trên nền tảng dữ liệu thực tế và các góc nhìn chuyên sâu được chia sẻ trong chương trình “Data Talk Macro Insight: Cập nhật vĩ mô tháng 4 & Các biểu hiện kinh tế Mỹ cùng chính sách thuế quan”, hai chuyên gia ông Trần Ngọc Báu – CEO WiGroup và ông Nguyễn Hoàng Linh – Giám đốc Nghiên cứu VCBF đã phân tích đa chiều về triển vọng chính sách tiền tệ Mỹ và tác động đến tỷ giá USD/VND trong những quý tới. Những phân tích sâu sắc từ chương trình cho thấy một bức tranh đa nhân tố, trong đó kỳ vọng giảm lãi suất chỉ là một lát cắt của cấu trúc tỷ giá đang chịu áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Lãi suất Fed: Giảm nhưng không vội
Theo ông Trần Ngọc Báu, khả năng giảm lãi suất vào kỳ họp tháng 7/2025 là "cao và phù hợp với logic chu kỳ", nhưng tháng 6 gần như chắc chắn bị bỏ qua vì Fed "chưa có đủ cơ sở để hành động sớm". Ông nhận định: “Kỳ họp tháng 7 sẽ là thời điểm Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, với mức giảm đầu tiên là 0,25%. Kịch bản cơ sở của thị trường là tổng cộng 0,75% trong ba lần vào tháng 7, tháng 9 và tháng 12”.
Dữ liệu từ công cụ CME FedWatch cũng cho thấy hơn 50% nhà đầu tư kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 7, tăng mạnh so với chỉ 20% kỳ vọng cắt giảm trong tháng 6. Điều này phản ánh kỳ vọng thị trường đang dịch chuyển theo các chỉ báo “leading” như PMI sản xuất đang dưới ngưỡng 50 trong nhiều tháng và tiêu dùng cá nhân giảm tốc.
![]() |
Kịch bản thị trường: Fed sẽ giảm lãi suất ba lần từ tháng 7/2025. Nguồn: WiGroup, Vietnambiz. |
Ông Nguyễn Hoàng Linh bổ sung: “GDP quý I/2025 của Mỹ giảm -0,3% là do yếu tố thuế quan gây nhiễu. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn vững với tỷ lệ thất nghiệp 4,2% và số việc làm mới đạt kỳ vọng. Điều này khiến Fed còn thận trọng, chưa giảm ngay, nhưng xu hướng chung là sẽ nới lỏng trong nửa cuối năm”.
![]() |
Dự báo tăng trưởng GDP Mỹ 2025–2027: Fed nới lỏng chậm, kinh tế hạ nhiệt từ từ. Nguồn: WiGroup, Vietnambiz. |
Áp lực tỷ giá: Không đến từ Fed mà từ dân cư
Một trong những phát hiện quan trọng được ông Báu nhấn mạnh là: “Tỷ giá USD/VND hiện nay chịu áp lực chủ yếu từ thị trường dân cư, chứ không phải từ liên ngân hàng”. Lãi suất USD trên thị trường tiêu dùng Mỹ đang dao động quanh 7–8%, trong khi huy động VND tại Việt Nam chỉ quanh mức 4–5%. Sự chênh lệch này khiến dòng vốn có xu hướng nắm giữ USD hoặc gửi ra nước ngoài, gây áp lực cầu ngoại tệ trong nước.
![]() |
Áp lực tỷ giá USD/VND vẫn còn hiện hữu bất chấp kỳ vọng hạ lãi suất. Nguồn: WiGroup, Vietnambiz. |
Tuy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giữa hai nước đã tiệm cận nhau (Fed Fund Rate dự báo về 3,9% trong năm 2025 và lãi suất VND liên ngân hàng quanh 4%), nhưng điều đó chỉ giúp giảm áp lực tỷ giá tại thị trường liên ngân hàng – một kênh không đại diện cho tâm lý dân cư.
Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm: “Chỉ số DXY từ đầu tháng 4 đến nay đã giảm 7–8%, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tăng hơn 1%. Điều này chứng minh rằng tỷ giá nội địa đang vận hành độc lập với đồng USD quốc tế và phụ thuộc lớn vào yếu tố nội tại như găm giữ USD, biến động vàng và nhu cầu thanh khoản ngoại tệ của doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, trong cùng kỳ, giá vàng quốc tế tăng gần 15%, làm gia tăng nhu cầu trú ẩn tài sản. “Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng tích trữ kép: cả vàng và USD đều trở thành ‘kênh phòng thủ’, gây áp lực dai dẳng lên tỷ giá trong ngắn hạn”, ông Linh đánh giá.
Chênh lệch lãi suất thu hẹp dần, nhưng chưa đủ lực kéo tỷ giá
Dù kỳ vọng lãi suất Fed sẽ giảm trong 3 quý tới, nhưng ông Báu nhận định: “Lãi suất Fed sẽ chỉ hạ về khoảng 3,1% trong năm 2027, nghĩa là quá trình nới lỏng diễn ra chậm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất VND khó giảm sâu hơn do yêu cầu duy trì ổn định tỷ giá và kiểm soát dòng vốn đầu cơ”.
Kịch bản lãi suất liên ngân hàng tiệm cận nhau giữa USD và VND giúp hạn chế sự dịch chuyển dòng vốn của ngân hàng, nhưng chênh lệch lãi suất dân cư vẫn duy trì cao. Đây là điểm nghẽn lớn nhất khiến tỷ giá khó hạ nhiệt nhanh chóng.
Ông Linh khuyến nghị: “Chỉ khi lãi suất thực tế trong nước cao hơn hoặc ít nhất là tương đương với kỳ vọng lợi suất USD, dòng vốn trong dân mới quay lại. Trước mắt, điều này rất khó xảy ra”.
Bên cạnh đó, đồng VND cũng đang chịu áp lực mất giá so với nhiều đồng tiền khác như EUR hay JPY. “Tỷ giá EUR/VND và JPY/VND đều mất trên 10% chỉ trong vài tháng. Điều này khiến áp lực tỷ giá không chỉ đến từ cặp USD/VND mà còn từ rổ ngoại tệ rộng hơn, ảnh hưởng đến nợ công và chi phí nhập khẩu”, ông Linh cảnh báo.
Điểm then chốt: Đàm phán thuế quan sẽ quyết định xu hướng
Tác động từ chính sách thuế quan được đánh giá là biến số lớn nhất đối với tỷ giá USD/VND trong phần còn lại của năm 2025. Theo ông Báu, “Nếu mức thuế đối ứng mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam duy trì ở ngưỡng cao (trên 40%), tâm lý găm giữ USD sẽ tiếp diễn, do lo ngại suy giảm xuất khẩu và dòng ngoại tệ thu hẹp”.
Ngược lại, nếu các cuộc đàm phán đạt kết quả tích cực và mức thuế giảm về 15–20% thì sẽ tạo cú hích lớn cho ổn định tỷ giá, đồng thời hỗ trợ nhà điều hành có dư địa giữ vững mặt bằng lãi suất.
Ông Linh nhấn mạnh: “Chúng ta cần theo dõi không chỉ đàm phán Mỹ–Việt, mà cả diễn biến so sánh giữa thuế suất Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Mexico. Nếu Việt Nam vẫn bị áp thuế cao hơn, đơn hàng có thể bị dịch chuyển và ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn ngoại tệ thương mại”.
Từ góc nhìn tổng hợp, cả ông Báu và ông Linh đều đồng thuận rằng áp lực tỷ giá sẽ kéo dài tới cuối năm 2025, dù Fed có giảm lãi suất.
Yếu tố duy nhất có thể xoay chuyển cục diện nhanh chóng là một kết quả đàm phán thuế quan tích cực, hoặc một cú sốc dòng vốn lớn từ FDI hoặc thương mại tạo ra cung ngoại tệ dồi dào hơn. Trong khi đó, mức chênh lệch lãi suất dân cư và tâm lý phòng thủ của thị trường vẫn là rào cản lớn khiến tỷ giá USD/VND khó giảm nhanh trong ngắn hạn.
Theo ông Báu, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách cần theo dõi sát ba biến số: chính sách tiền tệ của Fed, tiến trình đàm phán thuế quan, và cung–cầu ngoại tệ nội địa. Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, tỷ giá sẽ tiếp tục là chỉ báo quan trọng cho rủi ro hệ thống và mức độ ổn định vĩ mô của Việt Nam.
Không hài lòng vì Fed giữ nguyên lãi suất, ông Trump gọi Chủ tịch Fed là 'kẻ ngốc'
Fed giữ nguyên lãi suất đẩy tỷ giá USD tăng toàn cầu, riêng Việt Nam thì sao?