Doanh nghiệp

FPT Retail (FRT) có thể đạt 35.000 tỷ đồng doanh thu năm 2023

Yên Hoàng 24/10/2023 08:17

Long Châu được kỳ vọng sẽ là nguồn thu chính cho FRT trong năm 2023.

Thị trường dược phẩm Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây,không chỉ thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp nội địa cũng nhảy vào chiếm lĩnh các mảng thị trường đầy tiềm năng này. Trong số những doanh nghiệp đặt chân vào thị trường bán lẻ dược phẩm, không thể không nhắc tới CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) với chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Sở hữu chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam và là chuỗi duy nhất có lãi ở thời điểm hiện tại

Sau khi trở thành công ty con của FPT Retail vào quý 3/2018, Nhà thuốc Long Châu đã không ngừng mở rộng và đạt mốc 1.000 cửa hàng thuốc vào tháng 11/2022. Tại thời điểm này, số lượng nhà thuốc Long Châu đã vượt qua số lượng nhà thuốc An Khang, Pharmacity và trở thành chuỗi nhà thuốc có số cửa hàng lớn nhất và phủ sóng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Tính tới tháng 9/2023, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã có tới 1.350 cửa hàng và dự kiến nâng tổng số nhà thuốc 1.400 – 1.500 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2023 và đạt mốc 3.000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới. Trong đó, khoảng 99% nhà thuốc mới mở có lãi sau 6 tháng hoạt động.

Ngược lại, nhà thuốc An Khang và Pharmacity đang khá thận trọng trong việc mở rộng cửa hàng của chuỗi bán lẻ thuốc. Cụ thể, Thế giới di động quyết định tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những cửa hàng An Khang có lợi nhuận, tính đến 9/2023 An Khang tạm dừng số lượng nhà thuốc ở mức 537 cửa hàng. Đồng xu thế với An Khang, Pharmacity đã đóng cửa gần 200 cửa hàng, tính tới 9/2023 Pharmacity đang duy trì hoạt động khoảng 1.118 cửa hàng.

FPT Retail (FRT) có thể đạt 35.000 tỷ đồng doanh thu năm 2023

Bên cạnh đó, điểm sáng của FRT là đang sở hữu chuỗi nhà thuốc bán lẻ có mô hình hiệu quả nhất hiện nay với quy mô doanh thu luôn duy trì ở mức trên 1 tỷ đồng/tháng/cửa hàng và có biên lợi nhuận gộp trên 23%.

Mặc dù mới tham gia vào thị trường bán lẻ thuốc từ quý 3/2018, nhưng FPT Long Châu đã bắt đầu có lãi nhẹ vào cuối năm 2021và lãi trước thuế 53 tỷ đồng vào năm 2022.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, FRT Long Châu ghi nhận mức lãi trước thuế 280 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Theo đó, ước tính lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của FRT Long Châu khoảng 108 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 chuỗi nhà thuốc của An Khang và Pharmacity vẫn đang phải chịu lỗ.

FPT Retail (FRT) có thể đạt 35.000 tỷ đồng doanh thu năm 2023

Ngoài ra, được hậu thuẫn bởi tập đoàn công nghệ FPT, FRT rất tích cực trong việc ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) vào các cửa hàng bán lẻ thuốc để tối ưu hoạt động chăm sóc khách hàng. Đây là điểm cộng lớn giúp FRT Long Châu có thể mở rộng thị trường trong tương lai.

FPT Retail đẩy mạnh phát triển chuỗi Long Châu, mở thêm mảng tiêm chủng

Sau thành công của lĩnh vực bán lẻ thuốc chữa bệnh, FRT vừa mới mở rộng thêm mảng phòng bệnh – tiêm chủng vaccine với 2 cơ sở tiêm chủng ở Tp.HCM và 2 cơ sở tiêm chủng ở Hà Nội. Trước đây, mảng tiêm chủng ở Việt Nam chủ yếu được cung cấp bởi khối bệnh viện và trung tâm y tế công. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, dịch vụ tiêm chủng được mở rộng thêm bởi các tổ chức dịch vụ tư nhân.

Thị trường bán lẻ dược phẩm vẫn còn tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn

Thứ nhất, theo thống kê của Bộ Y tế, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam khoảng 6,9 tỷ USD vào năm 2021, chiếm khoảng 1,9% GDP năm 2021. BMI Research dự báo, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam ước khoảng 16.1 tỷ USD vào năm 2026, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 11% (quy ra VND). Việt Nam được đưa vào nhóm những quốc gia có ngành dược mới nổi. Từ số liệu của công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy, mức chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người ở Việt Nam năm 2016 chỉ ở mức 49,9 USD, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD) và chỉ bằng ½ trung bình của các nước Pharmerging.

Thứ hai, có nhiều yếu tố đang thúc đẩy chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ như dân số của Việt Nam ngày càng già hoá, số lượng người trên độ tuổi 60 ngày càng tăng. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá khi số người trên 60 tuổi chiếm 9,9%. Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (GSO), Việt Nam có khoảng 31.69 triệu người có độ tuổi 60 trở lên, chiếm 27,11% tổng dân số vào năm 2069. Dân số già sẽ kéo theo chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khoẻ. Bên cạnh đó, chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ cũng tăng lên sau đại dịch do người dân quan tâm tới sức khoẻ nhiều hơn và xuất hiện nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp. Do đó, thị trường dược phẩm vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

FPT Retail (FRT) có thể đạt 35.000 tỷ đồng doanh thu năm 2023

Thứ ba, thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam còn phân mảnh, hiện có khoảng 60.000 nhà thuốc tham gia vào thị trường này, hầu hết các nhà thuốc đều có quy mô nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ có gần 3.000 nhà thuốc đến từ các chuỗi nhà thuốc lớn gồm: (1) chuỗi nhà thuốc Pharmacity (tham gia vào thị trường từ năm 2011, được hậu thuẫn bởi SK group), chuỗi nhà thuốc Long Châu (tham gia vào thị trường vào cuối quý 3/2018, là công ty con của FPT Retail) và chuỗi nhà thuốc An Khang (được Thế giới Di động bắt đầu đầu tư từ năm 2018). Với tác động tích cực của làn sóng công nghệ số, các chuỗi nhà thuốc hiện đại đang có sự phát triển nhanh chóng. Theo khảo sát từ IQVIA Việt Nam, số nhà thuốc thuộc chuỗi năm 2022 khoảng 3.000 cửa hàng (chiếm gần 6% thị phần dược phẩm cả nước 2022), tăng từ 186 cửa hàng (chiếm gần 1% thị phần dược phẩm cả nước 2016 ) vào năm 2016.

Thứ tư, thị trường dược phẩm bao gồm kênh phân phối ETC (Đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện) và OTC (Thuốc không kê toa – phân hối qua các hiệu thuốc). Kênh phân phối ETC chiếm khoảng 70% thị trường thuốc ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn như Tp Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh nơi có nhiều bệnh viện lớn. Thị phần ở kênh này chủ yếu vẫn đến từ thuốc nhập khẩu. Kênh phân phối OTC chiếm khoảng 30% thị trường thuốc với tổng số cửa hàng thuốc khoảng 60.000 nhà thuốc.

Dựa theo các tiềm năng đó, Chứng khoán TPS đã dự phóng doanh thu năm 2023 của FPT Retail tăng gần 16% so với năm 2022, tuy nhiên các khoản chi phí tăng cao nên FRT khả năng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hơn 30 xuống mức 278 tỷ đồng.

hế giới Di động và FPT Retail chơi “khô máu”, Digiworld và các chuỗi nhỏ cùng ngành lặng lẽ phục hồi

Nhà thuốc Long Châu bất ngờ chen chân vào tiêm chủng, cạnh tranh trực tiếp với VNVC

Tập đoàn Hàn Quốc thâu tóm 51% cổ phần chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/fpt-retail-frt-co-the-dat-35000-ty-dong-doanh-thu-nam-2023-207250.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
FPT Retail (FRT) có thể đạt 35.000 tỷ đồng doanh thu năm 2023
POWERED BY ONECMS & INTECH