Không chờ đợi Mỹ: 2 siêu cường rốt ráo đàm phán thương mại, gặp nhau 3 lần trong 3 tháng
Các quan chức thương mại cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp lại nhau vào đầu tháng 6 tới, trong bối cảnh cả hai bên đang gia tăng tương tác nhằm đối phó với áp lực thuế quan ngày càng lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo người phát ngôn của EU, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại và An ninh Kinh tế Maros Sefcovic sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Paris vào đầu tháng tới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Global Times cũng đã đưa tin về cuộc gặp này.
Phía EU chưa xác nhận thời điểm cụ thể của cuộc đối thoại, trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Thông tin về cuộc gặp được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump đồng ý gia hạn thời hạn áp thuế 50% đối với ô tô từ EU đến ngày 9/7, sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Đây cũng là thời điểm các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đến Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa ông Vương và ông Sefcovic sẽ là lần thứ ba hai bên tiếp xúc trong năm nay. Trước đó, ông Sefcovic đã đến Bắc Kinh vào cuối tháng 3 và hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, sau đó hai bên có thêm một cuộc trao đổi qua video vào ngày 8/4.
Trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng, Trung Quốc đang đẩy mạnh cải thiện quan hệ quốc tế, đặc biệt với EU. Bắc Kinh đã nỗ lực gia tăng mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp và quan chức châu Âu tới giới hoạch định chính sách cấp cao, đồng thời cam kết cải thiện môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, phía châu Âu vẫn tỏ ra dè dặt. Các quan chức EU cho biết họ đang rơi vào “hội chứng mệt mỏi vì lời hứa” từ Bắc Kinh, đồng thời tiếp tục bày tỏ quan ngại về các vấn đề như trợ cấp nhà nước cho doanh nghiệp Trung Quốc và những rào cản thương mại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.
>> ‘Nói một đằng, làm một nẻo’: Châu Âu vẫn mạnh tay nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế