Ghi nhận phục hồi nhưng thị trường BĐS vẫn cần 'đòn bẩy' để bứt phá
Mặc dù có sự phục hồi tích cực cả về nguồn cung và giá bán nhưng thực tế hiện nay, thị trường BĐS vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức không hề nhỏ trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định rằng từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản (BĐS) chưa thể bứt phá để quay trở lại chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch Covid-19.
Phục hồi trong thách thức
Sau hàng loạt chính sách thúc đẩy thị trường BĐS trong và sau đại dịch Covid-19, những tác động này dần "thẩm thấu" vào thị trường. Thêm vào đó, các dự án luật sửa đổi quan trọng như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, mang đến một "cú hích" mới cho thị trường. Đến nay, thị trường đã ghi nhận một số tín hiệu phục hồi tích cực.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, riêng trong quý III/2024, cả nước có 16 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với 3.314 căn hộ, đạt 177,7% so với quý II và 76,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường BĐS được nhận định sẽ phục hồi trong thách thức. Ảnh: Internet |
Trong đó có 23 dự án mới được cấp phép với quy mô 11.669 căn hộ (121% và 153,3% tương ứng). Có 55 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, quy mô 21.374 căn hộ (110% và 117%), và 939 dự án đang triển khai với tổng số 426.158 căn hộ.
Phân khúc BĐS khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng, trong khi các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng có dấu hiệu phục hồi so với quý trước.
>> Thúc đẩy hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Số liệu từ Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ giao dịch BĐS tiếp tục tăng. Cụ thể, giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đạt 148,3% so với quý II/2024 và 129% so với cùng kỳ năm trước; giao dịch đất nền đạt 82,3% và 112,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đối diện với những thách thức, như sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở bình dân và nhà ở xã hội (NƠXH), trong khi giá bán tiếp tục leo thang. Trong quý III/2024, cả nước gần như không có dự án nhà ở thương mại bình dân nào được triển khai, và chỉ có 8 dự án NƠXH với tổng quy mô 4.960 căn, trong đó chỉ một dự án (Tòa W3 – West Sky tại Ecogarden, TP. Huế) hoàn thành một phần.
Giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng, trung bình 4-6% theo quý và 22-25% theo năm; riêng tại Hà Nội và TP. HCM, một số khu vực tăng tới 35-40% so với quý trước. Căn hộ trung cấp (giá từ 25-50 triệu đồng/m2) chiếm tỷ trọng cao nhất về giao dịch và nguồn cung, tiếp theo là phân khúc cao cấp và siêu cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2).
Các dự án như Vinhomes Ocean Park (The Zurich, Gia Lâm) có giá từ 46-55 triệu đồng/m2; The Ninety Complex (Đống Đa, Hà Nội) từ 60-75 triệu đồng/m2; Diamond Centery (Tân Phú, TP. HCM) từ 61-73,3 triệu đồng/m2...
"Đòn bẩy" cho thị trường
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng sự phục hồi của thị trường đến từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau đại dịch, đặc biệt là việc các bộ luật sửa đổi có hiệu lực sớm đã tháo gỡ các “nút thắt” pháp lý, giúp DN và nhà đầu tư giảm tâm lý chờ đợi.
"Thị trường sẽ tiếp tục phục hồi từ nay đến hết năm 2024, chậm nhưng bền vững và phân hóa theo từng phân khúc và khu vực. Khi nhà đầu tư có thêm niềm tin, dòng tiền sẽ đổ về BĐS", TS Nguyễn Văn Đính nhận định.
Dù ghi nhận nhiều dấu hiệu lạc quan nhưng thị trường BĐS vẫn cần nhiều "đòn bẩy" để đột phá. Ảnh: Internet |
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam dự báo nguồn cung mới sẽ tiếp tục cải thiện, khi các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án dang dở nhờ tháo gỡ pháp lý.
"Nguồn cung mới sẽ chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là phân khúc NƠXH. Tuy nhiên, vấn đề giá cả BĐS có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong quý cuối năm", bà Phạm Thị Miền nhận định.
Theo ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện thị trường BĐS rất "nhạy cảm" trước các biến động lớn.
"Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định và các chính sách hỗ trợ đã giúp ngành BĐS phục hồi. Tuy nhiên, để kiểm soát giá bán và ngăn chặn đầu cơ, cần sự can thiệp từ các cơ quan quản lý để tránh những hệ lụy cho thị trường và kinh tế", ông Trần Văn Bình nhấn mạnh.
Quý III/2024 chứng kiến những chuyển biến tích cực trong BĐS, với các vấn đề của DN và dự án được tháo gỡ, nguồn cung có phần cải thiện. Tuy vậy, một số phân khúc vẫn xuất hiện tình trạng tăng giá cục bộ, và tại một số địa phương, hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm còn tồn tại.
"Cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn để phát triển thị trường BĐS an toàn và bền vững", ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định.
>> Có gì đặc biệt bên trong bảo tàng check-in 'triệu view' của 'Vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ?
Tỉnh sở hữu ngôi chùa lớn nhất Việt Nam tương lai ‘cất cánh’ lên thành phố trực thuộc Trung ương
Có gì đặc biệt bên trong bảo tàng check-in 'triệu view' của 'Vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ?