Giá cà phê trong nước tăng kỷ lục vì bị ‘kích giá’ như bất động sản

31-03-2024 11:30|Anh Phương ,Nguyễn Huế

Đằng sau câu chuyện giá cà phê trong nước tăng kỷ lục, theo các chuyên gia, có ‘lực lượng kích giá’ giống như thị trường bất động sản. Họ thu mua cà phê rải rác rồi đẩy giá lên cao.

'Chê' doanh nghiệp, nông dân thích bán cho thương lái

Tại hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD”, do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 30/3 trong khuôn khổ lễ hội “Tôn vinh cà phê - trà Việt” lần hai năm 2024 diễn ra tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 5 tỷ USD/năm. 

Đánh giá về diễn biến giá cà phê từ đầu năm 2024 đến nay, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho hay giá tăng liên tục và hiện ở mức 102.000 đồng/kg. Cà phê tăng giá quá cao nên có tình trạng nông dân không bán cho nhà xuất khẩu mà bán cho các đại lý, thương lái.

Theo ông Nam, điều này dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nên hiệp hội đã có kế hoạch cũng như cảnh báo doanh nghiệp.  

W-hoi-thao-1-1.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Huế

Số liệu từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho thấy, quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước đạt 600.000 tấn. Nếu tính đơn giá 3.200 USD/tấn thì tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1,9 tỷ USD. 

Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích về mặt hàng cà phê, cho rằng với mức giá hiện tại, mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch 5 tỷ USD năm nay chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, giá cà phê trong nước quá cao cũng gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu. 

Bởi, nếu tính theo tỷ giá, giá cà phê trong nước khoảng 3.800 USD/tấn, cao hơn giá cà phê giao dịch trên sàn kỳ hạn London. Đây là thị trường thương phẩm nên giá ở đâu cao, hàng ở đâu hiếm thì dân kinh doanh sẽ đi nơi khác mua. 

“Chất lượng cà phê Việt Nam ngon không phải bàn, song đằng sau việc tăng giá có lực lượng kích giá giống như thị trường bất động sản. Trước đây, họ mua cả vườn. Nhưng giờ họ mua nơi này 5 tấn, nơi kia 7 tấn rồi kích giá lên”, ông Bình nói. 

Vị chuyên gia này này nhận xét, chưa bao giờ giá cà phê Liberica lại cao bằng giá cà phê Arabica như vậy. Có thể nói, thị trường cà phê trong nước đang bị loạn. Giá cao nông dân được hưởng, tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp không ít khó khăn với các hợp đồng đã ký từ nay đến năm 2026 nhưng chưa giao hàng.

W-hoi-thao-2-1.jpg
Chuyên gia phân tích cà phê Nguyễn Quang Bình. Ảnh: Nguyễn Huế

Để kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD đều đặn trong những năm tới, theo ông Bình, cần có quỹ hàng hoá cà phê. Như ở các nước, xuất khẩu được 6 tỷ USD họ sẽ trích lại 600 triệu USD vào quỹ để bảo trợ cho việc thu mua. Ngân hàng Nhà nước nên có quỹ tín dụng như vậy để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thu mua cà phê. 

Giải pháp khác, theo ông Bình, là phải tăng cường sản xuất, chế biến cà phê đặc sản. Nếu giá cà phê thường là 4.000 USD/tấn thì giá cà phê đặc sản chưa rang ít nhất từ 6.000-8.000 USD/tấn. Do đó, nên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê đặc sản để nâng cao giá trị của hạt cà phê. 

Cần đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê Việt 

Nói về bức tranh cà phê trong nước, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Intimex, đánh giá, niên vụ 2022-2023 và đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg. 

Trong khi một thời gian dài trước đó, giá cà phê không vượt qua nổi ngưỡng 50.000 đồng/kg, nhiều nông dân chặt bỏ cà phê để trồng cây khác. Đầu năm nay, giá cà phê tăng mạnh, các doanh nghiệp khó khăn lắm mới mua được cà phê xuất khẩu.

Với diễn biến thị trường cà phê hiện nay, ông Nam khẳng định mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD/năm là trong tầm tay. 

“Thực tế cho thấy, cà phê Việt Nam là sản phẩm không thể thay thế tại thị trường châu Âu. Chúng tôi đã thử mua cà phê nước khác về làm cà phê hoà tan nhưng không ra được vị của cà phê hoà tan Việt Nam. Thị trường thế giới không chấp nhận”, ông Nam chia sẻ. 

W-hoi-thao-3-1.jpg
Ông Đỗ Hà Nam: Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD cà phê năm 2024 là trong tầm tay. 

Về câu chuyện xây dựng thương hiệu, theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc CTCP Sản xuất Thương mại XNK Cà phê Napoli, trung bình mỗi tỉnh, thành ở nước ta có khoảng 100 doanh nghiệp cà phê; riêng TP.HCM có khoảng 2.000 doanh nghiệp. 

Ông Hưng đã đi nhiều nước và nhận thấy, rất ít thương hiệu cà phê Việt được bày bán. So với Thái Lan và Malaysia, độ bao phủ thị trường của các doanh nghiệp cà phê Việt còn hạn chế. “Ngoài sự hỗ trợ về chính sách, bản thân các doanh nghiệp phải đẩy mạnh marketing quốc tế để phát triển thương hiệu”, ông Hưng lưu ý. 

Trong khi đó, ông Gruber Alexander Lukas, đại diện thương hiệu Alambé Finest Vietnamese Coffee, cho rằng, Việt Nam muốn đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD/năm thì “đừng nên hàng hoá cà phê mà hãy cá nhân hoá nó”. 

Theo ông, cà phê Việt Nam nổi tiếng về số lượng và giá rẻ. Do vậy, cần phải đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại từ hạng tiêu chuẩn đến thượng hạng... để xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng.

Dưới góc độ quản lý, ông Lê Thành Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam (Bộ NN-PTNT), để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần có chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao. 

Nước ta hiện có khoảng 660.000ha đất trồng cà phê. Trong đó, cà phê đặc sản chỉ chiếm 2% diện tích, tập trung ở Lâm Đồng và cà phê hữu cơ chiếm 3% diện tích.

Vì thế, giải pháp sắp tới, theo ông Tùng, không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chế biến, phát triển thị trường mà làm sao hài hoà lợi ích giữa bên sản xuất - bên xuất khẩu để thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê. 

Thưởng thức hương vị vùng miền tại lễ hội ‘Tôn vinh cà phê – trà Việt’ năm 2024

Giá cà phê phá mọi kỷ lục, nông dân 'nếm vị ngọt', doanh nghiệp xuất khẩu thấy 'đắng', hiệp hội cà phê nói gì?

Giá cà phê cao nhất mọi thời đại, doanh nghiệp xuất khẩu ‘gồng lỗ’ nặng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/gia-ca-phe-trong-nuoc-tang-ky-luc-vi-bi-kich-gia-nhu-bat-dong-san-2265391.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Giá cà phê trong nước tăng kỷ lục vì bị ‘kích giá’ như bất động sản
POWERED BY ONECMS & INTECH