Giá cước vận tải biển đang dần "hạ nhiệt" khi chuỗi cung ứng toàn cầu bớt căng thẳng. Điều này đã giúp các doanh nghiệp ngành này giảm áp lực chi phí và có thêm đơn hàng.
Từ giữa tháng 7/2022, cước vận tải biển bắt đầu "đổi chiều" so với 2 năm đại dịch COVID-19, tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng giảm đáng kể.
Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, giá cước vận chuyển 1 container hàng tuyến xa, như từ Việt Nam đi Canada từng lên đến 26.000 USD. Mức giá này bằng đến 1/3 giá trị container hàng. Do đó, đã có những đơn hàng doanh nghiệp bị tạm dừng do ảnh hưởng cước vận tải cao. Giá cước giảm giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, có thêm các đơn hàng.
Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết: " Với tuyến dài cước giảm làm chi phí mua hàng của họ cũng giảm nhiều, nên quyết định mua hàng của họ cũng nhanh hơn".
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, cuối năm 2021, cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ khoảng 15.000-17.000 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11.000 USD.
Tương tự, đối với tuyến vận tải Hải Phòng – TP.HCM, cước vận tải dao động khoảng 9,2-10,5 triệu đồng/container 20 feet và 12,4-15,7 triệu đồng/container 40 feet (tùy loại). Chiều TP.HCM - Hải Phòng thấp hơn, khoảng 6-10 triệu đồng/container 20 feet và 9-15,4 triệu đồng/container 40 feet.
Theo đại lý vận tải, giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu... hiện nay vào khoảng 60 triệu đồng - 100 triệu đồng/container, giảm 1/3 so với mức giá đỉnh năm 2021 từ 230 triệu đồng - 300 triệu đồng/container.
Giá cước chặng Việt Nam - Trung Quốc cũng đã giảm từ khoảng 30 triệu đồng - 50 triệu đồng/container xuống còn khoảng 8 triệu đồng -15 triệu đồng/container.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Diamond Star Logistics, nói: "Giá cước giảm cũng giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn trong việc đặt tàu, đặt chỗ máy bay, lưu thông hàng hoá cũng nhanh hơn, giảm thiểu thiếu nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất như giảm được chi phí đầu vào".
Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, giai đoạn trước giá cước vận tải tăng đột biến chủ yếu do kẹt cảng và tình trạng thiếu nhân công ở những cảng lớn. Những khó khăn này đã được tháo gỡ. Giá cước dự báo sẽ tiếp tục ổn định.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương dự báo: "Thời gian tới, lượng tàu đóng mới cũng tăng lên làm tăng số chỗ trên tàu, do đó, điều này cũng làm cho giá cước hạ xuống".
Dù giá cước giảm nhiều hiện tại, hầu hết các chặng giá đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn giai đoạn trước dịch bệnh khoảng từ 10-15%.
Doanh nghiệp logistics chưa thể bứt phá cuối năm
Bà Lâm Thị Thanh Bông - Giám đốc Karl Gross Logistics Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu hàng hóa cuối năm cao hơn nhưng giá cước vận chuyển tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tình hình thế giới trong đó có chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc. Dù giá cước giảm nhưng vẫn chưa thể quay trở lại mức bình thường như trước dịch.
Dù vậy, ông Nguyễn Tương - cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, hiện giá cước đã giảm nhưng vẫn cao so với thời điểm trước dịch bệnh. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển nên giá cước neo cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng, thị trường vận tải năm nay được kỳ vọng tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào đội tàu chuyển hàng tuyến quốc tế.
Ông Phạm Việt Anh - chủ tịch Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans) cho biết, dịch bệnh được kiểm soát nhưng xung đột giữa Nga - Ukraine và Trung Quốc phong tỏa đã tác động lên chuỗi cung ứng. Trước đây Nga xuất khẩu trực tiếp dầu sang châu Âu, giờ xuất sang châu Á và Ấn Độ. Các nước châu Âu phải nhập dầu từ Mỹ về.
Trường hợp đến năm 2023 xảy ra suy thoái kinh tế, ông Việt Anh cho rằng thị trường vận tải biển sẽ không ảnh hưởng đáng kể, tàu biển sẽ hoạt động nhiều hải lý hơn. Chưa kể, việc đóng tàu mới hạn chế do giá thép tăng, nhiều đơn vị tập trung đóng tàu container khiến lượng cung tàu ít.
Trong bối cảnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa thể khôi phục trong một sớm một chiều, nhiều chuyên gia cho rằng giá cước vận chuyển giảm nhưng vẫn còn chậm.
Ngoài ra, chi phí lưu kho bãi cũng tăng do nhu cầu lưu kho bãi tăng trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng, nhân lực thiếu và giá bất động sản tăng cao… Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó để hạ nhiệt logistics giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.