Giá bất động sản, nhà ở, đất nền tại một số tỉnh vẫn liên tục tăng từ đầu năm 2022 cho đến nay. Ghi nhận, có nơi mức độ tăng đã gấp đôi so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo khảo sát tại Lâm Đồng, hiện giá đất nền đã tăng từ 15 - 20%. Riêng tại TP Bảo Lộc, do có vị trí gần TP Đà Lạt và gần khu vực sân bay Liên Khương nên giá đất tại đây tăng từ 50% - 70%.
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá đất nền có dấu hiệu tăng mạnh trong khoảng 1 năm trở lại đây. Đơn cử như một nền đất ở huyện Long Điền có giá 1,4 tỷ đồng vào đầu năm 2021, nay đang giao dịch 2 tỷ đồng. Nơi có giá đất tăng mạnh nhất có thể kể đến là xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Khảo sát cho thấy, giá đất khu vực này đã tăng từ 30% đến 50% so với trước dịch. Đặc biệt, với những thửa đất có quy hoạch là đất ở, trước đây 1 ha có giá 15 tỷ đồng thì nay đã lên 25 – 30 tỷ đồng. Các phòng công chứng luôn trong tình trạng đông nghẹt khách ra vào.
Tại khu vực Bình Thuận, Đồng Nai, đất nền thổ cư và đất nông nghiệp tiếp tục đà tăng giá. Mức tăng so với thời điểm tháng 10/2021 dao động từ 20 - 30%. Một số nơi tại Đồng Nai, hoạt động mua bán đất nông nghiệp diễn ra mạnh, mức tăng giá có thể lên đến 50% tính trong vòng 1 năm. Cá biệt, có những mảnh đất ghi nhận mức tăng 40 - 50% so với thời điểm trước Tết và thanh khoản nhanh chóng.
Ngoài ra, hoạt động mua bán đất thổ cư tại khu vực diễn ra khá sôi động, đặc biệt nhà đất riêng lẻ tại trung tâm TP Cần Thơ và khu vực Hậu Giang (giáp ranh Cần Thơ), Long Xuyên, Long An, một số tỉnh thu hút đầu tư như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu…mức giá cũng có sự biến động 10 - 20%/năm ở các khu vực này.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 sẽ khó có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, hiện tượng “sốt” giá bất động sản vẫn có khả năng xảy ra, nhất là khi Chính phủ sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư giữa bối cảnh thị trường BĐS liên tục ‘phi mã’
Hà Nội quy định đất ở sau tách thửa tối thiểu 50m2: Người thu nhập thấp càng xa vời giấc mơ an cư