Tài chính Ngân hàng

Gia hạn Thông tư 02: ‘Giải toả áp lực cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể khiến nợ xấu phình to’

Khúc Văn 28/02/2024 - 06:26

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng gia hạn Thông tư 02 cần đánh giá kỹ lưỡng, bởi không cẩn trọng sẽ khiến quả bóng nợ xấu phình to hơn, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính.

Các chuyên gia cho rằng việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ xấu cho doanh nghiệp giúp giải toả áp lực nợ xấu nhưng nếu không khéo có thể khiến quả bóng nợ xấu phình to.

Tháo van nợ xấu

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàngđược tổ chức mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Cần thiết để xem xét việc gia hạn Thông tư 02, thời gian kéo dài thông tư này bao lâu thì cần xem xét cụ thể.

>>Một tỉnh thành có nợ xấu siêu thấp, mỗi 1 tỷ cho vay thì nợ xấu chỉ 5 triệu đồng

Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) ban hành ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Theo quy định, Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

Gia hạn Thông tư 02: ‘Giải toả áp lực cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể khiến nợ xấu phình to’
Theo quy định, Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

Diễn biến của thị trường ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung trong năm 2023 từ khi Thông tư được ban hành cho thấy, các doanh nghiệp và các ngân hàng đều rất hồ hởi và đặt nhiều kỳ vọng khi thời gian trả nợ và nhóm nợ được “nới”, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và ngân hàng cũng có thời gian cân đối, cơ cấu các nhóm nợ, hạn chế phát sinh thêm nợ xấu.

Tại một số ngân hàng thương mại, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã có kết quả bước đầu. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), lũy kế tính đến hiện tại, LPBank đã thực hiện triển khai cơ cấu lại thời hạn trả theo Thông tư 02 là 192 lượt khách hàng với tổng dư nợ gốc của khách hàng là hơn 7.237 tỷ đồng, với số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, việc kéo dài quy định giãn, hoãn nợ cần đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, nhưng với các doanh nghiệp yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ, mà mạnh dạn chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khả năng trả nợ bị ảnh hưởng. Thông tư 02 ra đời giúp giải toả nhiều áp lực đối với doanh nghiệp, giúp họ có thêm “không gian” để xoay sở trả nợ. Tuy nhiên, việc gia hạn Thông tư 02 cần đánh giá kỹ lưỡng, bởi không cẩn trọng sẽ khiến quả bóng nợ xấu phình to hơn, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính.

>>Nợ xấu vượt quá dự trữ, các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đối mặt nguy cơ "vỡ trận"

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận, một mặt, thông tư này giúp giải toả áp lực nợ xấu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, ngân hàng cũng không bị nợ quá hạn cao. Nhưng mặt khác, các vấn đề như an toàn hệ thống, đánh giá chất lượng ngân hàng có thể “lệch lạc”.

“Theo tôi nên có một cơ chế đặc biệt để nhìn rõ các khoản nợ, nguy cơ rủi ro…”, ông Đức nói.

Nên kéo dài Thông tư 02 thêm 1 năm nữa

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. HCM) nêu quan điểm, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc có gia hạn Thông tư 02 hay không.

Gia hạn Thông tư 02: ‘Giải toả áp lực cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể khiến nợ xấu phình to’
Chuyên gia kiến nghị nên kéo dài Thông tư 02 thêm 1 năm nữa.

Ngoài ra, theo ông Huân, các số liệu về nợ xấu ngân hàng cũng cần minh bạch, tránh việc tạo ra những cú sốc tâm lý gây tác động xấu đến hệ thống. Ông Huân cũng nhìn nhận việc xử lý nợ xấu phải thực chất chứ không phải là che đi con số thực tế.

“Không thể làm mát một động cơ đang nóng bằng cách tắt đi đồng hồ đo nhiệt của nó. Điều này chỉ giúp chúng ta không nhìn thấy nhiệt độ tăng lên, nhưng thực tế động cơ này vẫn ngày một nóng hơn”, ông Huân nói.

Theo đánh giá của FIDT Research, việc kéo dài thời gian Thông tư 02 có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đồng thời giúp các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro hiệu quả hơn, tập trung nguồn lực xử lý cho các khoản nợ xấu.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra quyết định chính thức trong quý I/2024. Tuy nhiên, việc kéo dài Thông tư 02 không nên dài hơn một năm để tình trạng nợ xấu tiềm tàng tiếp tục khó kiểm soát, kéo theo rủi ro đối với hệ thống ngân hàng”, FIDT Research nêu.

Về việc kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02 trong bối cảnh hiện nay, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa xong, xử lý sở hữu chéo chưa dứt điểm, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang đối diện tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng cao. Vì vậy, theo ông Hùng, việc nới lỏng chính sách cần phải cân nhắc thật kỹ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi hàng triệu người dân đang gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Mặc dù vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đồng tình với quan điểm Ngân hàng Nhà nước nên kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02 thêm một thời gian khoảng 1 năm nữa. Lý giải về điều này, ông Hùng cho rằng, nếu việc đó thực hiện được thì nhiều doanh nghiệp có cơ hội để vượt qua khó khăn.

“Tuy nhiên, nếu kéo dài Thông tư 02 thì cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, không chỉ giãn hoãn nợ mà có thể cho vay mới. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ”, ông Hùng nhấn mạnh

>>Lộ diện đối tác mua tòa nhà tỷ phú giữa Hà Nội của Techcombank

Thanh tra NHNN chỉ ra nhiều tồn tại trong hoạt động cấp tín dụng của Vietcombank Phú Yên

15/51 trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-han-thong-tu-02-giai-toa-ap-luc-cho-doanh-nghiep-nhung-cung-co-the-khien-no-xau-phinh-to-224458.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gia hạn Thông tư 02: ‘Giải toả áp lực cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể khiến nợ xấu phình to’
    POWERED BY ONECMS & INTECH