Tài chính Ngân hàng

Giá vàng thế giới chạm mốc chưa từng có, chuyên gia vẫn cho rằng ‘khó xác định đâu là giới hạn’: Vì sao?

Chi Hạ 14/04/2025 - 09:14

Mặc dù đà tăng hiện tại được đánh giá là mang tính “parabol” – tăng quá nhanh, các chuyên gia cho rằng rất khó xác định đâu là giới hạn.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tiếp tục xác lập mức kỷ lục mới 3.246 USD/ounce. Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu rối loạn, vàng đang nổi lên như tài sản trú ẩn duy nhất còn giữ được niềm tin, khi các lựa chọn thay thế dần thu hẹp.

Chỉ riêng tuần này, giá vàng đã tăng hơn 6% – mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Vượt mốc 3.200 USD/ounce, vàng tiếp tục thể hiện sức hút trong bối cảnh đồng USD lao dốc và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt.

Giá vàng thế giới chạm mốc chưa từng có, chuyên gia vẫn cho rằng ‘khó xác định đâu là giới hạn’: Vì sao?
Giá vàng thế giới chạm mốc chưa từng có

Mặc dù đà tăng hiện tại được đánh giá là mang tính “parabol” – tăng quá nhanh, các chuyên gia cho rằng rất khó xác định đâu là giới hạn.

David Morrison, chuyên gia tại Trade Nation nhận định: “Thông thường, vàng cần tích lũy ở vùng giá cao trước khi hút dòng tiền mới. Nhưng khi thị trường hoảng loạn, đặc biệt sau khi dòng tiền đổ vào trái phiếu Mỹ – vốn là lựa chọn 'trú ẩn chất lượng' đã thất bại thảm hại, vàng vẫn là điểm đến của những nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn".

Ông Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets cũng cho rằng giá vàng vẫn còn dư địa tăng. “Dù thị trường đang quá mua và có dấu hiệu bong bóng, vàng vẫn là bến đỗ giữa hỗn loạn. Nỗi sợ hãi có thể đẩy giá lên cao hơn nữa trước khi thực tế trở lại”.

Dollar Index – thước đo sức mạnh đồng USD đã tụt xuống 99 điểm, mức thấp nhất trong 3 năm. Dù có thể kết thúc tuần ở mức 100 điểm, nhiều chuyên gia cho rằng thiệt hại đã rõ ràng.

Jonas Goltermann, chuyên gia tại Capital Economics đánh giá, đây là bước ngoặt của USD, khi thế giới phản ứng với các chính sách thuế quan toàn cầu của Tổng thống Donald Trump.

Vị chuyên gia này cho biết: “Còn quá sớm để dự đoán tác động lâu dài, nhưng không ngoa khi nói rằng vị thế đồng tiền dự trữ của USD đang bị đặt dấu hỏi”.

Không chỉ USD suy yếu, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên 4,5% – mức cao kỷ lục. Thông thường, lợi suất cao là tin xấu với vàng do làm tăng chi phí cơ hội của tài sản không sinh lãi. Nhưng nay, trái phiếu cũng đang bị nhà đầu tư bán tháo vì nghi ngờ vai trò đối tác thương mại đáng tin cậy của Mỹ. Điều đó khiến vàng và cả bạc trở thành lựa chọn thay thế đáng cân nhắc.

Theo ông Jerry Prior – CEO Mount Lucas Management, trong môi trường đầy bất ổn hiện tại, việc vàng lập đỉnh là điều dễ hiểu và có thể tăng cao hơn. “Giá vàng phản ánh đúng những gì chúng ta biết. Nhưng chỉ cần một giờ sau, mọi thứ có thể đổi chiều – đó là mức độ bất định mà thị trường đang phải đối mặt”.

Giá vàng thế giới chạm mốc chưa từng có, chuyên gia vẫn cho rằng ‘khó xác định đâu là giới hạn’: Vì sao?
Trong môi trường đầy bất ổn, vàng vẫn có thể tăng cao hơn. Ảnh minh họa

Jesse Colombo – nhà phân tích độc lập cho rằng đồng USD đã bị định giá quá cao suốt nhiều năm qua. Ông dự báo chỉ số hàng hóa sẽ tăng mạnh khi nhà đầu tư định giá lại USD và lợi suất trái phiếu.

Theo ông, cú sốc lợi suất hiện tại không làm suy yếu vàng mà ngược lại là động lực giúp vàng tăng giá mạnh, vì trái phiếu Mỹ đang mất dần sức hút trú ẩn. Điều này buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải dừng siết tiền tệ và quay lại chính sách nới lỏng.

Trong khi Tổng thống Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế trả đũa diện rộng, các chuyên gia vẫn lo ngại uy tín quốc tế của Mỹ đã bị tổn hại. Việc duy trì mức thuế nhập khẩu 10% và tiếp tục leo thang căng thẳng với Trung Quốc khiến lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng.

Sameer Samana – chuyên gia tại Wells Fargo cảnh báo, nếu chi phí hàng hóa tăng thêm 10%, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, qua đó kéo tụt tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Các nhà phân tích tại TD Securities cũng cho rằng lợi thế tăng trưởng của Mỹ đang dần biến mất. “Sức hút trú ẩn của Mỹ đang suy giảm vì ‘chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ’ đã mờ nhạt. Chúng tôi dự báo USD sẽ tiếp tục yếu đi trong năm 2025”.

Trong bối cảnh đó, không ai dám chắc giá vàng sẽ dừng lại ở đâu. Lukman Otunuga – chuyên gia tại FXMT dự báo mức thuế mới của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc lên tới 145% có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất. “USD suy yếu, lo ngại tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng lãi suất Mỹ giảm có thể đẩy vàng cao hơn”, ông nói.

Lukman Otunuga kỳ vọng, mức tăng 6% trong tuần và 23% từ đầu năm, nếu giữ vững trên 3.200 USD/ounce, vàng có thể nhắm tới 3.250, thậm chí 3.300 USD/ounce.

Chuyên gia Alex Kuptsikevich tại FxPro còn lạc quan hơn: “Vàng đang sống một cuộc đời riêng. Đóng cửa tuần ở mức cao lịch sử là tín hiệu mở cho một xu hướng mở rộng – giá có thể vượt 3.500 USD.”

Theo Kitco News

>> Cú sốc thương mại Mỹ - Trung tiếp tục đẩy giá vàng lên cao kỷ lục

Liên tiếp lập kỷ lục, giá vàng tháng 4 sẽ ra sao?

Vàng tăng chưa từng có, nhưng hơn 220 tỷ đồng tháo chạy khỏi quỹ ETF vàng: Vì sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-vang-the-gioi-cham-moc-chua-tung-co-chuyen-gia-van-cho-rang-kho-xac-dinh-dau-la-gioi-han-vi-sao-286598.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá vàng thế giới chạm mốc chưa từng có, chuyên gia vẫn cho rằng ‘khó xác định đâu là giới hạn’: Vì sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH