Giám đốc Học viện Tài chính dự đoán điểm chuẩn nhóm ngành tài chính, kế toán, ngân hàng
Theo chuyên gia, các thí sinh cần dựa vào mức điểm chuẩn của năm trước để có thể sắp xếp nguyện vọng một cách hợp lý và hiệu quả nhất.
Theo thông tin từ Báo Điện tử Chính phủ, TS. Trịnh Thanh Huyền – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế thuộc Học viện Tài chính nhận định rằng ở thời điểm hiện tại, việc dự đoán điểm chuẩn của các ngành hay chương trình đào tạo là điều không dễ dàng. Trong kỳ tuyển sinh năm nay, điểm trúng tuyển sẽ được quy đổi về một thang điểm chung.
TS. Trịnh Thanh Huyền dự báo: “Nhìn chung, điểm chuẩn các ngành, chương trình đào tạo liên quan tài chính, kế toán, ngân hàng có thể giảm hơn so với năm trước”. Dù khả năng điểm chuẩn có xu hướng giảm nhưng do tính chất đồng bộ của cơ chế “nước nổi thì bèo nổi”, mức giảm nếu có cũng sẽ mang tính đồng đều giữa các ngành. Bởi vậy, chuyên gia này khuyến cáo thí sinh cần dựa vào mức điểm chuẩn của năm trước để xây dựng thứ tự nguyện vọng một cách hợp lý và hiệu quả.

TS. Trịnh Thanh Huyền khuyên thí sinh nên chia các nguyện vọng thành ba nhóm chính: nhóm đầu tiên là những nguyện vọng ưu tiên cao nhất, dù điểm thi có phần cách biệt so với điểm chuẩn dự kiến; nhóm thứ hai mang tính an toàn, phù hợp với điểm số của bản thân; còn nhóm cuối là các nguyện vọng thấp hơn nhằm tăng cơ hội trúng tuyển. Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng – Giám đốc Học viện Tài chính, dải điểm chuẩn năm nay của Học viện được dự báo sẽ dao động rộng hơn, từ 22 đến 28 điểm, thay vì chỉ tập trung trong khoảng 26,03 đến 26,85 điểm (theo thang 30) và từ 34,35 đến 36,15 điểm (theo thang 40) như năm 2024. Một số ngành có thể ghi nhận mức giảm điểm chuẩn từ 3 đến 4 điểm so với năm trước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố khung thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, kéo dài từ ngày 16/7 đến 17h00 ngày 28/7, không giới hạn số lần điều chỉnh. TS. Trịnh Thanh Huyền khuyến nghị thí sinh cần đọc kỹ các hướng dẫn, đồng thời ưu tiên sử dụng các nguồn tài liệu chính thống từ các trường hoặc kênh truyền thông đáng tin cậy để nắm chắc quy trình đăng ký. Đặc biệt, sau khi hoàn tất việc nhập nguyện vọng trên hệ thống, thí sinh nên đăng xuất rồi đăng nhập lại để kiểm tra dữ liệu đã được ghi nhận chính xác, tránh rủi ro kỹ thuật do lỗi mạng hay gián đoạn kết nối.

Thí sinh cũng cần lưu ý đến thời gian nộp lệ phí xét tuyển, diễn ra từ ngày 29/7 và kết thúc vào lúc 17h00 ngày 5/8, mức phí tương ứng với số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Bên cạnh đó, TS Trịnh Thanh Huyền chỉ ra một số lỗi thường gặp trong quá trình đăng ký, ví dụ như nhập sai mã trường do nhầm lẫn giữa tên viết tắt quen thuộc và tên chính thức.
Một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến cả quá trình đăng ký và kết quả trúng tuyển. Vì vậy, việc theo dõi sát sao các thông báo chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như từ các trường đại học là hết sức cần thiết.