Giới chức Mỹ lo ngại Binance sẽ sụp đổ như FTX
Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét khả năng truy tố Binance, nhưng lại lo ngại điều này sẽ dẫn đến cú sập như FTX từng làm chao đảo thế giới tiền ảo hồi cuối năm ngoái.
Theo CoinTelegraph, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang xem xét khả năng cáo buộc sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance về các hoạt động gian lận. Tuy nhiên, các quan chức lại đang lo ngại việc truy tố Binance sẽ dẫn đến một tình huống tương tự như những gì đã xảy ra với FTX vào tháng 11 năm ngoái, khi tình trạng người dùng tháo chạy dẫn đến cú sập của sàn giao dịch này.
Do vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với người dùng, Bộ Tư pháp đang xem xét các lựa chọn như phạt tiền hay hoãn truy tố các thực thể liên quan đến Binance.
Binance gặp khó
Binance được cho là đã bị điều tra vì thực hiện các giao dịch nhằm giúp người Nga lách khỏi các lệnh trừng phạt của nước này, theo CoinTelegraph. Đây là các lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi đầu năm ngoái.
Ngoài ra, hồi đầu năm, Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC) đã kiện Binance và nhà sáng lập Changpeng Zhao do cáo buộc cung cấp các giao dịch hàng hóa phái sinh, vi phạm quy định của Mỹ.
Đến tháng 5, Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đệ đơn kiện sàn tiền số này với các cáo buộc thổi phồng khối lượng giao dịch, điều hướng dòng tiền của khách hàng, không hạn chế người Mỹ khỏi nền tảng và đánh lừa nhà đầu tư về những biện pháp kiểm soát thị trường của mình.
Đối mặt với các vụ việc kể trên, phía Binance luôn khẳng định họ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý, sẵn sàng hợp tác với các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi pháp luật. Hiện Binance vẫn đang là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất trên thế giới. Do đó, bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến Binance đều sẽ có khả năng tác động đến toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Vụ sập sàn FTX.
FTX được Bankman-Fried thành lập vào năm 2019. Vào thời kỷ đỉnh cao, FTX - đối thủ đáng gờm của Binance có tới hơn 1 triệu người dùng (tháng 7/2021), là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ ba tính theo khối lượng, theo CoinMarketCap.
Theo hồ sơ phá sản, FTX định giá tài sản của mình từ 10 đến 50 tỷ USD và niêm yết hơn 130 công ty liên kết trên khắp thế giới. Sự lớn mạnh của FTX góp phần giúp Bankman-Fried luôn nằm trong top tỷ phú với hơn 16 tỷ USD.
Giá Bitcoin lao dốc sau cú sập của FTX. |
Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2022, sàn FTX đối mặt với tình trạng cạn kiệt thanh khoản, khách hàng liên tục yêu cầu rút tiền sau nhiều thông tin bê bối về pháp lý và tình hình tài chính.
Đòn giáng cuối cùng đã được đưa ra sau khi CEO của Binance Changpeng Zhao quyết định thanh lý hơn 2 tỷ USD token do FTX phát hành và hủy thương vụ mua lại. Sợ bị mất giá, các nhà đầu tư đã rút hàng tỷ tiền điện tử chỉ trong vài giờ.
Đến ngày 11/11, FTX nộp đơn xin phá sản, ngay sau đó, token của sàn đã giảm gần 90% giá trị, chỉ còn 2,57 USD/token và tài sản của CEO Bankman-Fried bốc hơi gần 26 tỷ USD - một trong những mức giảm nhanh nhất của một tỷ phú từ trước đến nay.
Một tháng sau, Sam đã bị bắt ở Bahamas với cáo buộc gian lận và có thể đối mặt với mức án tù lên tới 115 năm. Sự phá sản của FTX đã giáng đòn mạnh lên một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực tài chính, bao gồm những ông lớn như SoftBank, Sequoia Capital và Temasek, đồng thời đẩy thị trường rơi vào thời kỳ "mùa đông" tiền số kéo dài.
CEO Binance nói gì về địa điểm đặt trụ sở toàn cầu?
Bitcoin hướng đến mốc 100.000 USD: Fintech khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu