"Gỡ khó" nguyên liệu cho doanh nghiệp hải sản

21-06-2023 16:24|THY HẰNG

Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp như hạ lãi suất vay, phát triển cơ sở hạ tầng, có các chính sách hỗ trợ về nhập khẩu nguyên liệu.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về nguyên liệu, về sản xuất, về thủ tục.. Những khó khăn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

xuat-khau-thuy-san-1.jpeg
Chính phủ và các Bộ ngành cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên liệu phù hợp cho sản xuất xuất khẩu.

Cạn kiệt tài nguyên

Trong đó, đáng lưu ý là nguồn lợi biển Việt Nam đang ngày càng cạn kiệt và ở mức báo động. Trong khi, số lượng tàu đánh bắt nhiều, nhưng số tàu đánh bắt đạt hiệu quả chỉ chiếm khoảng 30 – 40%, các tàu đánh bắt được huề vốn cũng chỉ ở mức 30 – 40%, số còn lại thì đều thua lỗ hoặc đang nằm bờ. “Đây có thể nói là một sự lãng phí lớn”, bà Cao Thị Kim Lan nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, bởi thực tế trên, cùng với việc đầu tư về cơ sở hạ tầng hoạt động khai thác biển của Việt Nam cũng cần có quy hoạch tổng thể để tái tạo nguồn lợi biển đang bị cạn kiệt.

“Chính phủ cần có chính sách định hướng rõ ràng về vấn đề này, ví dụ như thực hiện điều tra, xem xét và đánh giá trữ lượng loài, đồng thời đánh giá lại số lượng tàu thuyền để quản lý năng lực đánh bắt tại các tỉnh sao cho phù hợp và hiệu quả, quy định về sản lượng khai thác của từng loài…. Vấn đề này cần được giải quyết sớm vì nó ảnh hưởng tới đời sống của bà con ngư dân và hoạt động của doanh nghiệp”, Giám đốc BIDIFISCO khẳng định.

Theo đánh giá, nguồn cung nguyên liệu trong nước đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp thiếu rất nhiều, chỉ được khoảng 20 - 40% nhu cầu của các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đang phải tìm kiếm các nguồn cung từ bên ngoài.

Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề về việc làm cho công nhân và nâng cao được năng suất sản xuất đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu. Lợi thế của Việt Nam là có hệ thống nhà máy sản xuất được đầu tư một cách bài bản đạt tiêu chuẩn châu Âu. Do đó, việc nhập khẩu nguyên liệu là hướng đi đúng đắn để duy trì nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất của các nhà máy.

Trong năm 2023, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thị trường thế giới suy thoái, nên nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa một số nhà máy trong quý 1. Tuy nhiên, sang đầu quý II, các nhà máy đã bắt đầu hoạt động trở lại và hoạt động xuất khẩu đã khởi sắc hơn so với quý I. Dự kiến, quý III hoạt động xuất khẩu sẽ tốt hơn so với 2 quý trước.

“Nhưng điều đáng nói, nguồn nguyên liệu sẽ khó khăn vì sản lượng khai thác tại các vùng biển trên thế giới đang giảm, cùng với đó các lệnh cấm khai thác tại các vùng biển bắt đầu có hiệu lực, và mùa mưa bão tới sẽ làm giảm nguồn cung”, bà Cao Thị Kim Lan chia sẻ.

Hỗ trợ nhập khẩu nguyên liệu

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn thời gian tới Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp như hạ lãi suất vay, phát triển cơ sở hạ tầng, có các chính sách hỗ trợ về nhập khẩu nguyên liệu.

khai-thac-iuu_1.jpg
Cần có quy hoạch tổng thể để tái tạo nguồn lợi biển đang bị cạn kiệt.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) đánh giá, hải sản khai thác chưa được quan tâm đúng mức. “Chúng ta cần quan tâm đến từ quản lý tàu thuyền đánh bắt cho đến cảng cá, nậu vựa và nhà xưởng sản xuất chế biến. Đây cũng là một giải pháp giúp chúng ta tháo gỡ thẻ vàng IUU”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc chia sẻ.

Đặc biệt, Chủ tịch VASEP nhấn mạnh cần quan tâm tới nuôi trồng trên biển. Cần có đánh giá tác động của ngư trường để biết được loài sản phẩm ở trong biển của mình đang còn những gì.

“Ta cũng nên vận dụng nhập khẩu nguyên liệu để bảo vệ nguồn tài nguyên trong nước một thời gian đủ để tái tạo lại môi trường khi bị cạn kiệt. Chính phủ và các Bộ ngành cũng nên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên liệu phù hợp cho sản xuất xuất khẩu. Máy móc, nhà xưởng của Việt Nam không thua kém thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo vệ được công ăn việc làm cho công nhân và có nguồn nguyên liệu cho sản xuất”, Chủ tịch VASEP khẳng định.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy, đã kịp thời nắm bắt và triển khai thực hiện gia công hàng hóa cho các nước như Mỹ, Nhật, EU, bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định đây không phải cách để đứng lại nhưng là cách để chúng ta có thể học hỏi từ họ cách thức quản lý, sản xuất & kinh doanh – từ đó các doanh nghiệp này có thể tự đứng ra mua nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu đi bằng cách nhập khẩu nguyên liệu.

“Trong thời gian 5 – 10 năm, chúng ta có thể tận dụng để tái tạo lại nguồn lợi hải sản và xây dựng lại được hệ thống cơ sở hậu cần trên bờ. Ngư dân cũng chuyển dần sang nuôi trồng, hay chuyển đổi quy mô. Như Na Uy khi chuyển đổi thì Chính phủ đã thu mua lại các tàu nhỏ và hỗ trợ tiền cho ngư dân để họ có được tàu lớn hơn. Đó là chiến lược, chiến thuật cần thiết để phát triển ngành nghề”, Chủ tịch VASEP chia sẻ.

Đối với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng, hiện nay việc cần làm là hệ thống lại các chứng chỉ phù hợp với thị trường. Bây giờ, thị trường quan tâm đến chứng chỉ trách nhiệm xã hội thì doanh nghiệp cần trang bị cho mình để khi thị trường cần là đáp ứng được ngay.

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/go-kho-nguyen-lieu-cho-doanh-nghiep-hai-san-246141.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Gỡ khó" nguyên liệu cho doanh nghiệp hải sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH