Góc nhìn cổ phiếu đầu tư công quý 4/2023: Kỳ vọng "chiếc máy xúc" hơn 300.000 tỷ
Nửa đầu năm 2023, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công không đồng nghĩa các doanh nghiệp nhóm hạ tầng - xây dựng thắng lớn. Tuy nhiên, cổ phiếu nhóm này vẫn còn khá nhiều câu chuyện để kỳ vọng.
Kỷ lục giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023
Theo công bố mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 9 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ghi nhận mức 51,38% mục tiêu đã được Chính phủ giao. Con số này tương đương 363.000 tỷ đồng - cao hơn 100.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử mức giải ngân vượt mốc 50% kế hoạch. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Tuy vậy, câu chuyện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhóm hạ tầng - xây dựng liên quan ghi nhận kết quả tăng trưởng kinh doanh tương đồng.
Bức tranh kinh doanh ngược chiều kỳ vọng
Dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng thực tế bức tranh kinh doanh của đa số doanh nghiệp nhóm đầu tư công tương đối ảm đạm, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất cao, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến chi phí hoạt động. Giá nguyên liệu tăng cũng trở thành một trong những lý do dẫn đến chậm giải ngân tại nhiều dự án hạ tầng giai đoạn đầu năm 2023 qua đó bào mòn biên lãi gộp của nhóm xây dựng hạ tầng vốn đã rất mỏng.
Bên cạnh các tác động từ chính sách vĩ mô, câu chuyện thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu xây dựng thấp,... cũng tác động vào bức tranh tài chính của nhóm trong quý 2/2023. Về cơ bản, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong nhóm đầu tư công phần nào cho thấy những tín hiệu khả quan so với cùng kỳ song vẫn phân hoá giữa các doanh nghiệp.
Ở nhóm doanh nghiệp xây lắp, doanh thu thuần nửa đầu năm có sự phân hóa rõ nét với điểm sáng đến từ tăng trưởng ở các tên tuổi hàng đầu như Vinaconex (Mã VCG), Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã HHV). Ngược lại, nhóm Fecon (Mã FCN), Đạt Phương (Mã DPG), Cienco4 (Mã C4G) hay Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã CII) lại ghi nhận doanh thu giảm 2 chữ số so với bán niên 2022.
Ngoài những gương mặt làng thầu xây lắp, nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, nhựa đường, sắt thép cũng được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ việc thúc đẩy đầu tư công. Công ty nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngay từ đầu năm 2023 nhờ các dự án chuyển tiếp từ thời gian trước.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng cho thấy tình hình không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận đồng loạt giảm sút. Trường hợp của Đá Hóa An (Mã DHA) báo lãi 6 tháng gấp 2,4 lần cùng kỳ do hoàn nhập chi phí dự phòng đầu tư chứng khoán.
Xem thêm: Nắm bắt cơ hội trong nhịp chỉnh, VNDirect gợi ý 5 cổ phiếu có khả năng sinh lời hàng chục %
Với nhóm thép, bức tranh kinh doanh quý 2/2023 nhìn chung vẫn kém sắc so với cùng kỳ (quý 2/2022 là quý "vui vẻ" cuối cùng của các doanh nghiệp thép trước khi đồng loạt báo lỗ trong các quý sau đó).
Còn hơn 300.000 tỷ đồng đang chờ được giải ngân trong 3 tháng cuối năm
Cần khẳng định rằng, quan điểm Chính phủ ngay từ đầu năm là lấy đầu tư công làm động lực kinh tế, thu hút FDI. GDP quý 3 vừa qua dù tiếp tục tăng lên mức 5,33% song tính chung 9 tháng chỉ đạt 4,24% - cách xa mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm. Như vậy, vài trò của đầu tư công thông qua các hoạt động giải ngân vốn dự án từ nay đến cuối năm là đặc biệt quan trọng (Chính phủ yêu cầu giải ngân tối thiểu 95% cho năm 2023 - tức khoảng 700.000 tỷ đòng).
Câu chuyện nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng đặt ra những nhiệm vụ lớn lao trong việc khai mở hạ tầng để dẫn lớn FDI cho dòng chảy kinh tế trong nước giai đoạn tới.
Còn 3 tháng nữa để các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ "phải hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch vốn giải ngân đầu tư công trong năm 2023", nghĩa là còn gần 340.000 tỷ cần được giải ngân trong quý 4. Áp lực giải ngân trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô thế giới còn nhiều khó lường, câu chuyện mua thấp điểm thi công phía Nam (yếu tố về thời tiết) có thể gây cản trở trong cuộc đua nước rút này.
Cổ phiếu điều chỉnh, sửa soạn tâm thế cho "trận đánh mới"
Bỏ qua câu chuyện về kết quả kinh doanh kém sắc, doanh nghiệp đầu tư công vẫn là nhóm cổ phiếu tiềm năng (chỉ số P/B đa phần quanh 1 trong khi định giá P/E có thể sẽ cải thiện hơn với kỳ vọng kinh doanh khởi sắc hơn trong giai đoạn cuối năm).
Trên thị trường chứng khoán, cùng với diễn biến lao dốc của thị trường chung 3 - 4 tuần qua, nhiều cổ phiếu đầu tư công đã có nhịp chỉnh với chiết khấu từ 10 - 25%. Tuần giao dịch từ 2 - 6/10, thị trường chung chứng giảm mạnh ngay đầu tuần trước khi rung lắc trong phần còn lại. Nhiều cổ phiếu như LCG, VCG, FCN, HHV trở lại trạng thái tích lũy.
Với việc nhiều gương mặt đã được công bố trúng loạt gói thầu với giá trị từ vài nghìn tỷ đến cả chục nghìn tỷ, câu chuyện việc làm cho 1 - 3 năm tới phần nào đã được giải quyết. Việc các động thái gia tăng giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm được kỳ vọng trở thành "gió Đông" cho một nhịp tăng giá mới đầy tiềm năng.
Bài viết của ông Tạ Việt Dự - Khối Khách hàng cao cấp, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Xem thêm: Cổ phiếu bán lẻ/sản xuất 3 tháng cuối năm: Khi dòng tiền tăng tốc
Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cầu 'khủng' vượt sông Hồng
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Doanh nghiệp Việt 'thừa sức' làm chủ công nghệ