Vĩ mô

Hà Nội và TPHCM không quá 15 sở, có thể duy trì Sở Giao thông vận tải

Thu Hằng 19/12/2024 - 13:30

Các tỉnh thành tiến hành sắp xếp, hợp nhất sở ngành theo định hướng bảo đảm tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở; riêng Hà Nội và TP.HCM có không quá 15 sở, có thể duy trì Sở Giao thông vận tải.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thay mặt Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18 của Chính phủ ký ban hành định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Hợp nhất 10 sở thành 5

Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sở ngành), các tỉnh thành được duy trì (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong) các sở ngành gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo Chính phủ cũng định hướng, gợi ý hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương.

phamthithanhtra 01.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Cụ thể, hợp nhất Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Tài chính với tên gọi của sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất.

Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, dự kiến thành Sở Xây dựng và Giao thông, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở này.

Hợp nhất Sở Tài nguyên & Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến thành Sở Nông nghiệp và Môi trường, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở.

Hợp nhất Sở Thông tin & Truyền thông và Sở Khoa học & Công nghệ dự kiến tên gọi là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và Sở Nội vụ với tên gọi dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới.

Hà Nội và TPHCM có thể duy trì Sở Giao thông vận tải

Bên cạnh đó, có 3 sở sắp xếp, cơ cấu lại ở tương ứng với sắp xếp các bộ ở Trung ương.

Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang và tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Chính phủ cũng định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp đối với các sở đặc thù như: Ngoại vụ; Du lịch; Quy hoạch và Kiến trúc (đối với TPHCM và Hà Nội), An toàn thực phẩm (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù) và Ban Dân tộc.

Cụ thể, Sở Ngoại vụ thực hiện sắp xếp phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương. Đối với các địa phương đang có Sở Ngoại vụ thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án sáp nhập vào Văn phòng UBND cấp tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đối với các địa phương đã sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND cấp tỉnh thì tiếp tục thực hiện như hiện nay.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc thực hiện sáp nhập vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và TPHCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở Giao thông vận tải và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại Hà Nội và TPHCM.

Với Ban Dân tộc, với các địa phương đang có thì thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo (ở Trung ương) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND cấp tỉnh về Sở Nội vụ - Lao động (sau hợp nhất) để thống nhất đầu mối tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.

Sở Du lịch với các địa phương đang có thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Sở An toàn thực phẩm trong trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu­ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các Sở: Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường.

Việc sắp xếp theo định hướng, gợi ý nêu trên bảo đảm tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và TPHCM có không quá 15 sở.

Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp này dự kiến hoàn thành trước 20/2/2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28/2/2025.

>> Bộ trưởng Nội vụ: Có chính sách để 'không ai bị bỏ lại phía sau' khi tinh gọn bộ máy

Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ khi thực hiện tinh gọn bộ máy

Thủ tướng chủ trì phiên họp về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ha-noi-va-tphcm-khong-qua-15-so-co-the-duy-tri-so-giao-thong-van-tai-2354177.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hà Nội và TPHCM không quá 15 sở, có thể duy trì Sở Giao thông vận tải
    POWERED BY ONECMS & INTECH