Hai doanh nghiệp trong hệ sinh thái BIM Group vừa phát hành 2.900 tỷ đồng trái phiếu
Giữa thời điểm trái phiếu vẫn đang rất nóng, 2 thành viên nhà BIM Group vẫn phát hành thành công với tổng giá trị khoảng 2.900 tỷ đồng.
Công ty Thanh Xuân phát hành lô trái phiếu 583,5 tỷ đồng
CTCP Thanh Xuân vừa công bố thông tin phát hành thành công lô trái phiếu TXCCH2330001 trị giá 583,5 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn đến tháng 7/2030, sẽ được mua lại theo định kỳ. Trong đó lần gần nhất tháng 7/2025 sẽ mua lại 15%; tháng 7/2026 mua lại 15%...
CTCP Thanh Xuân thành lập tháng 4/2003 do bà Đoàn Thị Xuân Thanh, sinh năm 1959, làm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Danh sách cổ đông sáng lập gồm 8 người, trong đó bà Đoàn Thị Xuân Thanh góp 43,5%; ông Trần Hoài Bắc góp 39%...
Tháng 5/2016 công ty tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 120 tỷ đồng và lên thành 150 tỷ đồng vào 2018. Tháng 3/2021 công ty cập nhật thông tin bà Đoàn Thị Thanh Mai lên làm Tổng giám đốc.
Mới đây, tháng 2/2022 công ty tăng vốn “khủng” từ 150 tỷ đồng lên 1.210 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 8 lần. Nửa năm sau ngày tăng vốn khủng, tháng 10/2022 ông Đoàn Quốc Huy lên làm Chủ tịch HĐQT. Những cổ đông sáng lập, cổ đông góp vốn của CTCP Thanh Xuân chủ yếu người họ Đoàn.
Ông Đoàn Quốc Huy ngoài là Chủ tịch HĐQT của CTCP Thanh Xuân, còn là người đại diện của loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái BIM Group như CTCP Đầu tư phát triển Seryna Việt Nam, CTCP Năng lượng tái tạo BIM, Công ty TNHH BIM Kiên Giang, CTCP Green Town Việt Nam…
BIM Kiên Giang thành lập tháng 4/2004, hiện tại do ông Đoàn Quốc Huy làm Giám đốc. Tháng 6/2021 vừa qua công ty tiến hành tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của BIM Kiên Giang có CTCP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam sở hữu 79,3% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Hạ Long) sở hữu 16,5% và bà Khổng Thị Hiền sở hữu 4,2%.
Syrena Việt Nam mới đây bị Cục thuế tỉnh Quảng Ninh gọi tên do nợ thuế 187,9 tỷ đồng - lớn thứ 2 trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế. Syrena Việt Nam thành lập tháng 10/2011 do ông Đoàn Quốc Huy làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật.
Syrena Việt Nam cũng có những đợt tăng vốn khủng như Thanh Xuân. Giai đoạn tháng 7/2021 công ty tăng vốn điều lệ từ gần 3.312 tỷ đồng lên 5.412 tỷ đồng – tương ứng tăng thêm 2.100 tỷ đồng.
BIM Hạ Long thành lập từ tháng 9/1994 do ông Đoàn Quốc Việt làm người đại diện theo pháp luật, góp hơn 1.500 tỷ đồng (75,09%) và ông Đoàn Quốc Huy góp gần 500 tỷ đồng (24,91%) vốn điều lệ.
Một điểm khá đặc biệt ở BIM Hạ Long là liên tục thay đổi vốn điều lệ theo hướng tăng lên rồi hạ xuống. Từ 2.000 tỷ đồng, BIM Hạ Long có lúc giảm vốn xuống 1.700 tỷ đồng, lại tăng lên 3.150 tỷ đồng rồi lại giảm vốn về mức 850 tỷ đồng rồi lên lại 2.000 tỷ đồng. Lần gần nhất BIM Hạ Long tăng vốn trở lại từ 2.000 tỷ đồng lên 2.800 tỷ đồng vào tháng 6/2022.
Cơ cấu người sở hữu cũng thay đổi trong nhóm các thành viên, từ ông Đoàn Quốc Việt, ông Đoàn Quốc Huy, bà Khổng Thị Hiền và cả CTCP Bất động sản BIM (BIM Land). Trong đó lần thay đổi gần nhất, BIM Land sở hữu 99,88% vốn, còn lại là bà Khổng Thị Hiền. Ông Đoàn Quốc Huy là Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật công ty.
BIM Land nổi danh trên thị trường trái phiếu với những lô trái phiếu khủng.
Mới đây ngày 21/8/2023 BIM Land phát hành thành công lô trái phiếu BIMCH233001 trị giá 2.333 tỷ đồng. Lô trái phiếy này đáo hạn vào 15/7/2030 và sẽ được mua lại theo từng đợt. Đợt mua đầu tiên vào tháng 1/2025 với tỷ lệ mua lại 20%. Các đợt mua lại kéo dài đến tháng 7/2030.
Trước đó tháng 12/2020 Bất động sản BIM phát hành lô trái phiếu BIMB2023001 trị giá 1.000 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 12/2023 tới đây. Lô trái phiếu này huy động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và để đầu tư vào dự án Centara thông qua hình thức hợp tác kinh doanh.
Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất với 06 thửa đất tại phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, thuộc sở hữu của BIM Hạ Long, được thẩm định giá bởi CTCP Thẩm định giá Hoa Mặt Trời. Công ty cũng cho biết một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo được dùng để đảm bảo cho một số nghĩa vụ thanh toán khác…. Lô trái phiếu này do 1 công ty chứng khoán duy nhất ôm trọn.
Về tình hình kinh doanh, BIM Land mới đây báo cáo nửa đầu năm 2023 lãi sau thuế 810 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu đạt 7.430 tỷ đồng. Nợ phải trả lên đến trên 19.200 tỷ đồng, gấp 2,59 lần vốn chủ sở hữu. Trước đó Bất động sản BIM cũng ghi nhận lãi sau thuế cả năm 2022 đạt 1.745 tỷ đồng còn năm 2021 lãi sau thuế 2.068 tỷ đồng.
Như vậy cùng với Công ty Thanh Xuân, BIM Land trở thành công ty thứ 2 trong hệ sinh thái BIM Group phát hành thành công các lô trái phiếu liên tiếp trong tháng 8, tháng 9/2023. Tổng giá trị phát hành cả 2 doanh nghiệp khoảng 2.900 tỷ đồng.
Tập đoàn BIM (BIM Group) thành lập tháng 7/2018, vốn điều lệ 2.300 tỷ đồng do ông Đoàn Quốc Việt làm chủ tịch Hội đồng thành viên. Cơ cấu sở hữu gồm ông Đoàn Quốc Việt góp 88,34% và bà Khổng Thị Hiền góp phần còn lại.
Tháng 7/2018 BIM Group tăng vốn điều lệ lên 3.150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông có thêm 2 nhân vật Đoàn Quốc Huy và Đoàn Thị Mai Thanh.
Hé lộ hệ sinh thái khủng phía sau Syrena – doanh nghiệp bị nêu tên nợ thuế 187 tỷ đồng
Con trai ông Đoàn Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIM Group
Con trai cố Chủ tịch Đoàn Quốc Việt kế nghiệp cha, chính thức trở thành người dẫn dắt BIM Group