Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới
Theo báo cáo của Kirin Capital, 5 tháng đầu năm, Vietjet nắm 42,8% thị phần hàng không tại Việt Nam.
Tại Hội nghị do Thường trực Chính phủ tổ chức vào sáng 21/9 nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico đồng thời là Chủ tịch HĐQT của CTCP Hàng không Vietjet, đã có những ý kiến đóng góp về sự phát triển của nhiều ngành kinh tế trọng điểm.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Vietjet hiện sở hữu hơn 100 tàu bay mới, hiện đại, đã vận chuyển hơn 200 triệu lượt khách trên gần 150 đường bay nội địa và quốc tế.
Vietjet đã tạo ra bước đột phá khi chuyển đổi từ vé máy bay giấy sang vé điện tử, mang lại cơ hội bay cho hàng triệu người chưa từng đi máy bay.
Hãng cũng đã thúc đẩy sự đổi mới trong ngành hàng không, từ kỹ thuật nhiên liệu, điều hành bay, đến việc đánh thức tiềm năng của nhiều sân bay địa phương. Điều này đã thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như công nghệ, sản xuất linh kiện...
Vietjet không chỉ mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới mà còn giới thiệu ẩm thực truyền thống như Phở và bánh mì Việt Nam đến với khách hàng quốc tế, với tinh thần máy bay Việt Nam bay tới đâu thì bầu trời Việt Nam mở ra tới đó.
Việt Nam hiện đang là trung tâm đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không. Học viện Hàng không Vietjet – một cơ sở hiện đại hàng đầu khu vực – đã hợp tác với Airbus, hàng năm đào tạo 50.000 lượt học viên.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico |
Theo báo cáo "Vận tải hàng hóa hàng không - Động lực mới" của Kirin Capital, 5 tháng đầu năm, Vietjet nắm 42,8% thị phần hàng không tại Việt Nam. Tuy nhiên theo bà Thảo, hãng không có được hangar ở Việt Nam.
Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Vietjet đang thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay ở sân bay Viêng Chăn trong liên doanh với Lào Airline, chi phí khá tốn kém.
Bà Thảo đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hangar là hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại các sân bay Việt Nam.
"Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc…", bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói.
Ngoài ra, CEO Vietjet cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đã bắt đầu sản xuất linh kiện máy bay. Với số lượng đơn đặt hàng lớn, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp máy bay, tương tự như cách Trung Quốc hiện đang sản xuất linh kiện cho Boeing và lắp ráp máy bay Airbus.
"Tập đoàn Sovico và các doanh nghiệp của chúng tôi như Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho hàng không và du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho kinh tế Việt Nam với tinh thần tiên phong của hàng không, du lịch", nữ tỷ phú này bày tỏ.
Chơi lớn, Vietjet (VJC) tăng thêm 25.000 chỗ phục vụ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Vietjet (VJC) đặt mua 20 máy bay Airbus, tổng trị giá 7,4 tỷ USD