Thế giới

Hàm ý với Nga và Iran từ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Trump đến Trung Đông

Thu loan 17/05/2025 - 12:08

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến thăm tới 3 nước Trung Đông. Một nhà báo Việt Nam từng có nhiều năm làm việc ở khu vực nhận xét rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ mang nhiều hàm ý, trong đó có tín hiệu quan trọng đối với Iran và Nga.

Trao đổi với PV Tiền Phong về sự kiện này, chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc nhấn mạnh rằng, đây là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai. Mỗi nguyên thủ quốc gia khi chọn chuyến công du nước ngoài đầu tiên muốn gửi gắm những thông điệp quan trọng.

Ông Phúc cho rằng chuyến công du đầu tiên của ông Trump đến vùng Vịnh mang ý nghĩa kinh tế nhiều hơn.

Hàm ý với Nga và Iran từ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Trump đến Trung Đông ảnh 1
Tổng thống Donald Trump và Thái tử kế vị Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman bắt tay sau khi trao đổi văn kiện ký kết tại Cung điện Hoàng gia ở Riyadh, ngày 13/5. (Ảnh: AP)

Ông cho rằng việc Tổng thống Trump “đi qua ngõ” Israel để đến Ả-rập Xê-út, Qatar và UAE nhưng không vào Israel cho thấy một sự chuyển hướng chiến lược.

Từ năm 1948 khi Israel lập quốc đến nay, bất kỳ tổng thống Mỹ nào dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều coi Israel là đồng minh số một, và không bao giờ “đi qua ngõ” nhà đồng minh mà không vào thăm.

Việc ông Trump bỏ qua Israel lần này dường như cho thấy Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang chuyển từ quan hệ chính trị và tình cảm thông thường sang quan hệ kinh tế rõ ràng hơn, với những đồng đô la cụ thể, ông Phúc đánh giá.

“Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực Trung Đông nói chung đang rất phức tạp, ông Trump mong muốn qua chuyến đi này thể hiện trước tiên với người Do Thái, sau đó với các nước Ả-rập và thế giới nói chung rằng Mỹ đã bắt đầu chuyển đổi cách nhìn, cách đánh giá các sự kiện quốc tế lớn theo hướng mới, không phải vẫn cứ quằn quại với chính trị, không phải cứ đắm mình trong những thù hằn mà chuyển sang đồng tiền bát gạo”, ông Phúc nói.

Một ví dụ là với cuộc xung đột giữa Israel với Hamas ở Dải Gaza, Tổng thống Trump có vẻ không thể chờ đợi mãi Israel hợp tác đầy đủ để các con tin người nước ngoài, trong đó có những con tin người Mỹ, mà Hamas vẫn giữ được thả nữa, mà muốn là tự mình đứng ra giải quyết theo một hướng khác.

Ngay trước thềm chuyến công du của ông Trump tới Trung Đông, Hamas đã đơn phương thả con tin Edan Alexander – người mang hai quốc tịch Mỹ và Israel.

Những con số khổng lồ

Trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ, những thỏa thuận hợp tác với Trung Đông đã được công bố, trong đó có thỏa thuận đầu tư 600 tỷ USD từ Ả-rập Xê-út vào Mỹ và hợp đồng của Qatar Airways mua hàng trăm máy bay từ Boeing và GE Aerospace.

Theo tài liệu của Nhà Trắng, thỏa thuận giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út bao gồm hợp đồng với hơn chục công ty quốc phòng Mỹ trong các lĩnh vực phòng thủ tên lửa và không gian, không quân, an ninh hàng hải và truyền thông.

Ông Phúc đánh giá, những con số này nói lên nhiều điều. Từ nhiệm kỳ trước đến quá trình vận động cho nhiệm kỳ này, ông Trump luôn đề cao chủ trương “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chủ yếu về khía cạnh kinh tế.

“Các hợp đồng trị giá hàng nghìn tỷ đô la ở Ả-rập Xê-út, Qatar và UAE rõ ràng là những con số rất lớn. Nếu tôi nhớ không nhầm thì các đời tổng thống Mỹ chưa ai làm được như thế với vùng Vịnh. Thành tích này có thể làm nức lòng cử tri Mỹ và giúp ông Trump dường như đã thực hiện được lời hứa tranh cử”, ông Phúc nói.

Hàm ý với Nga và Iran từ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Trump đến Trung Đông ảnh 2
Tổng thống Donald Trump bắt tay Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa tại Riyadh ngày 14/5. (Ảnh: Hoàng gia Ả-rập Xê-út)

Ngoài ra, theo chuyên gia này, xét trong bối cảnh Mỹ đang muốn đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran, Washington có thể tính toán chuyện lôi kéo các đồng minh kinh tế ở vùng Vịnh nhằm hình thành một liên minh chống Iran nếu không đạt được thỏa thuận hạt nhân như Mỹ mong muốn.

Bên cạnh đó, ba quốc gia Trung Đông mà ông Trump đến thăm lần này đều có ảnh hưởng nhiều ở Yemen. Vì vậy nhà lãnh đạo Mỹ có thể muốn qua đó gây áp lực và kiềm chế lực lượng Houthi ở Yemen hơn nữa.

Phong trào thân thiết với lực lượng Hamas ở Dải Gaza này đã tấn công vào nhiều tài sản và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông trong suốt thời gian Israel thực hiện chiến dịch tấn công trả đũa ở vùng đất của người Palestine.

Cuộc gặp lịch sử

Là người đã làm báo ở Syria trong những năm 80 của thế kỷ trước, dưới thời cố Tổng thống Hafez al-Assad và một số năm dưới thời cựu Tổng thống Bashar al-Assad, ông Phúc đánh giá rằng thời kỳ đó Mỹ với Syria rất khó bắt tay nhau vì có nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen, chồng chéo lên nhau mà không thể giải quyết được.

Tuy nhiên, sau bước chuyển đổi lịch sử ở Syria gần đây, khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ và ông Ahmad al-Sharaa trở thành lãnh đạo mới, nước Mỹ dần dần thay đổi. Lần này ông Trump có cuộc gặp và bắt tay ông al-Sharaa tại Ả-rập Xê-út, dù nhà lãnh đạo này từng bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố và treo thưởng cho ai loại bỏ được ông.

Hàm ý với Nga và Iran từ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Trump đến Trung Đông ảnh 3
Người Syria ăn mừng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch nới lỏng lệnh trừng phạt Syria và bình thường hóa quan hệ với chính phủ mới của nước này ngày 13/5. (Ảnh: AP)

Trong mấy thập kỷ qua, các nhà quan sát cho rằng mọi vấn đề ở Trung Đông, mọi mâu thuẫn ở Trung Đông sẽ không bao giờ giải quyết được nếu vắng Syria.

Syria nằm ở điểm tiền tiêu giữa thế giới Ả-rập với Israel và gắn bó nhiều nhất với sự nghiệp của người Palestine. Dưới thời cố Tổng thống Hafez al-Assad và Tổng thống Bashar al-Assad, Syria đã nhận được nhiều hỗ trợ từ Liên Xô trước đây và Nga sau này.

Vì vậy, ông Phúc cho rằng việc ông Trump quyết định gặp gỡ tổng thống lâm thời Syria và dỡ bỏ trừng phạt nước này có vẻ là “mũi tên trúng hai mục tiêu”, nhằm cả vào Nga và Iran.

Tehran là đồng minh của Syria trong mấy thập kỷ qua, nhưng chính quyền mới ở Damascus không còn mặn mà với quan hệ này nữa, khiến Iran phải dần rút lui. Rõ ràng Iran khó khôi phục vai trò và tầm ảnh hưởng của họ ở Syria trong giai đoạn hiện nay.

“Một chuyến đi của ông Trump thể hiện rất nhiều thay đổi chiến lược của Mỹ với Trung Đông, vì thế Trung Đông sắp tới có thể sẽ có những bước chuyển theo những hướng khác nhau, có lợi cho bên này nhưng bất lợi với bên kia”, ông Phúc nhận định.

>> Mỹ được đại gia Trung Đông cam kết rót 500 tỷ USD, ông Trump thắng lớn

Mỹ được đại gia Trung Đông cam kết rót 500 tỷ USD, ông Trump thắng lớn

Canh bạc lớn của Tổng thống Mỹ Trump trong chuyến công du Trung Đông

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/ham-y-voi-nga-va-iran-tu-chuyen-cong-du-cua-tong-thong-my-trump-den-trung-dong-post1743028.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hàm ý với Nga và Iran từ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Trump đến Trung Đông
    POWERED BY ONECMS & INTECH