Hang động lưu giữ dấu tích người tiền sử hiếm có ở ĐNA tại một tỉnh miền Trung, bên trong chứa loạt mộ cổ chôn theo hình bó gối niên đại 10.000-12.000 năm trước

22-03-2024 12:02|Tình Hoàng

Hang động này được các chuyên gia đánh giá là một trong những di tích đa văn hóa hiếm hoi nhưng nó đang bị lãng quên một cách đáng tiếc.

Di chỉ khảo cổ học hang Đồng Trương thuộc xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, sát quốc lộ 7 và chỉ cách thị trấn Anh Sơn khoảng 1km. Hang Đồng Trương được giới khoa học đánh giá là một trong những di chỉ khảo cổ đa văn hóa quý hiếm xuyên suốt cả hai thời kỳ văn hóa Hòa Bình, tức thời tiền sử, lẫn văn hóa Đông Sơn, tức thời sơ sử.

Con đường dẫn vào hang Đồng Trương

Con đường dẫn vào hang Đồng Trương

Theo đó, hang động này nằm trong núi đá vôi thuộc dãy núi Kim Nhan, ở độ cao chừng 4m so với bề mặt thung lũng Đồng Trương. Hang có dạng hàm ếch, hướng đông, cửa hang rộng 16m, cao 15m. Vào năm 2003, một người dân địa phương trong khi vào hang chơi đã tình cờ phát hiện ra một mảnh đá có hình dáng giống rìu. Đây cũng chính là di vật đầu tiên được phát hiện ra tại hang Đồng Trương.

Tháng 2/2004, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Nghệ Anh đã tiến hành tổ chức khai quật hang Đồng Trương. Tại cửa hàng trong diện tích khoảng 50m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 10 ngôi mộ an táng chôn theo hình bó gối với niên đại từ 10.000 năm đến 12.000 năm và hơn 3.000 di vật.

Phát hiện ra nhiều hiện vật khi khai quật hang Đồng Trương

Phát hiện ra nhiều hiện vật khi khai quật hang Đồng Trương

2 năm sau, ngành chức năng tiếp tục thực hiện cuộc khai quật lần thứ hai và phát hiện thêm 2 ngôi mộ táng cùng nhiều hiện vật khác, bao gồm di vật đồ đá được ghè đẽo thô sơ, vòng tay, chuỗi hạt bằng thủy tinh, dọi xe chỉ thuộc thời kỳ đồ đá cũ, nhiều xương cốt động vật bán hóa thạch cũng như một số hiện vật thời kim khí, đồ đồng thời tiền Đông Sơn. Được biết, các hiện vật này sau đó cũng được các nhà khảo cổ mang ra khỏi hang để phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Vỏ ốc được cho là thức ăn của người tiền sử

Vỏ ốc được cho là thức ăn của người tiền sử

Năm 2015, theo chương trình “Nghiên cứu hệ thống các di tích khảo cổ hang động miền núi tỉnh Nghệ An” của Viện Khảo cổ học, các nhà nghiên cứu thu về được các hiện vật giai đoạn sơ kỳ Đá mới (tức khoảng 15.000-5.000 năm trước Công Nguyên, thuộc Văn hóa Hòa Bình.

Nền hang Đồng Trương khá bằng phẳng

Nền hang Đồng Trương khá bằng phẳng

Khi tiến vào trong hang, nền hang khá phẳng và rộng chừng khoảng 200m2 không kể phần ngách hang ăn sâu vào trong lòng núi. Cách hang động này không xa, phía trong thung lũng Đồng Trương là con suối chảy quanh năm. Nơi đây được xem là nơi cư ngụ lý tưởng của người tiền sử, tránh thú dữ và mưa gió,...

Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia hang Đồng Trương

Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia hang Đồng Trương

Đặc biệt, hang Đồng Trương cũng có các nhũ đá đẹp mắt. Từ tháng 5/2017, di tích khảo cổ hang Đồng Trương đã được công nhận là di tích quốc gia. Hang động này được các chuyên gia đánh giá là “một di tích hiếm có ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”. Dịp đón nhận bằng di tích vào tháng 2/2018, các nhà chức trách huyện Anh Sơn cũng đã làm triển lãm ảnh hiện vật ở trong hang.

Dẫu vậy, việc bảo vệ di chỉ khảo cổ này lại đang khá sơ sài và chưa được chú trọng với cọc thép và các dây xích bao quanh các hố khai quật. Trong khi đó, con đường vào hang Đồng Trương cây cối mọc um tùm. Bảng chỉ dẫn cũ kỹ được đặt một bên vách đá, trong lòng hang rác thải bao bì, vỏ ốc ngổn ngang khắp nơi. Hàng chục cụm thạch nhũ bị vỡ, mặt đất nhiều chỗ bị đào xới…

Công tác bảo vệ hang Đồng Trương đang được thực hiện khá sơ sài

Công tác bảo vệ hang Đồng Trương đang được thực hiện khá sơ sài

Từng được kỳ vọng là địa điểm phát triển văn hóa, du lịch, thu hút du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa và khảo cổ, song đến nay hang Đồng Trương có nguy cơ trở thành phế tích. Do đó, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng cần có phương án bảo vệ tốt hơn.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Quyền, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, huyện đã có kế hoạch đưa di chỉ khảo cổ Đồng Trương vào kế hoạch phát triển du lịch. Kết hợp hang Đồng Trương cùng với Khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh đền Cửa Lũy, chùa Anh Sơn và nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, hình thành các điểm đến thu hút du khách.

Tuy nhiên, hang Đồng Trương là công trình di tích cấp quốc gia, chính vì vậy, việc đầu tư, tôn tạo có những quy định riêng, bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng như bố trí nguồn kinh phí của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Phong tỏa khẩn cấp hang động phát hiện nhiều cổ vật quý hiếm có niên đại từ thời nhà Minh và nhà Thanh

Khám phá khu du lịch sinh thái có hệ thống hang động núi đá vôi xuyên thủy nhiều nhất Việt Nam

Tìm thấy hang động người Việt cổ nằm trên dãy núi đá vôi cách chúng ta 2 vạn năm ở một tỉnh miền Trung

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/hang-dong-luu-giu-dau-tich-nguoi-tien-su-hiem-co-o-dna-tai-mot-tinh-mien-trung-ben-trong-chua-loat-mo-co-chon-theo-hinh-bo-goi-nien-dai-10000-12000-nam-truoc-d118665.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hang động lưu giữ dấu tích người tiền sử hiếm có ở ĐNA tại một tỉnh miền Trung, bên trong chứa loạt mộ cổ chôn theo hình bó gối niên đại 10.000-12.000 năm trước
POWERED BY ONECMS & INTECH