Hàng hóa châu Âu tắc nghẽn nghiêm trọng vì các cảng lớn nhất nước Đức đồng loạt đình công
Đình công hàng loạt và những vấn đề giao thông nội địa của Đức gây áp lực cho chuỗi cung ứng và tình hình lạm phát của châu Âu.
Các cuộc đình công diễn ra trong tuần này tại các cảng lớn nhất của Đức, bao gồm Hamburg, Bremen, Bremerhaven, Brake và Emden, đang gây ra mối lo ngại về nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng chậm trễ và gây áp lực lên chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng ở châu Âu.
Vị trí các bến cảng có công nhân đình công tại Đức |
Theo Maersk, hãng vận tải container lớn thứ hai thế giới, các cuộc đình công này có thể kéo dài hết tháng 6 và sẽ gây ra "tác động rộng rãi" đến mạng lưới vận chuyển của họ, với nhiều tàu bị ảnh hưởng. Hãng cũng dự đoán rằng tình trạng chậm trễ sẽ lan rộng và ảnh hưởng đến tất cả các tàu, gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn hệ thống.
Tình trạng đình công này không chỉ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển mà còn có thể gây ra những khó khăn về hậu cần trên đất liền và làm tăng áp lực lạm phát, khi các công nhân bến tàu yêu cầu mức lương cao hơn.
Bremerhaven, trung tâm xuất nhập khẩu ô tô chính của châu Âu, và Hamburg, bến cảng container có lưu lượng vận tải bận rộn thứ 3 ở châu Âu, đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cuộc đình công này có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn hàng hóa thông qua các cơ sở của họ, vốn đang hoạt động ở mức 65% đến 90% công suất.
Peter Sand, nhà phân tích trưởng tại Xeneta, một nền tảng phân tích vận chuyển hàng hóa có trụ sở tại Oslo, cảnh báo rằng mặc dù cuộc đình công có thể kéo dài chỉ 24-48 giờ, nhưng tác động của nó sẽ rất lớn. Các chủ hàng sẽ bị ảnh hưởng, các hãng vận chuyển có thể phải bỏ qua một số cảng và tìm kiếm các cảng thay thế để dỡ hàng.
Trong lúc đó, giá cước vận chuyển đến Bắc Âu đã tăng do sức tải căng thẳng, trong bối cảnh hệ thống giao thông nội địa của Đức cũng gặp vấn đề do mưa lớn và lũ lụt hồi đầu tháng 6. Lũ lụt khiến các nhà máy thủy điện của Đức ngừng hoạt động hoặc giảm sản lượng, gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp điện của nước này.
Giá cước vận tải khu vực Bắc Âu tăng vọt từ đầu năm 2024 |
Tình hình càng trở nên phức tạp khi IG Metall, liên đoàn lao động lớn nhất nước Đức, đang đòi tăng lương 7% cho khoảng 3,9 triệu công nhân trong ngành kim loại và linh kiện điện bù đắp cho mức tăng giá tiêu dùng cao trong những năm qua. Yêu cầu này vấp phải sự phản đối từ hiệp hội người sử dụng lao động Suedwestmetall, cho thấy các cuộc đàm phán sắp tới sẽ rất khó khăn.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang theo dõi sát sao tình hình này, vì nó có thể ảnh hưởng đến lạm phát và nền kinh tế vốn đã yếu kém của Đức. Ngành sản xuất của Đức đang gặp khó khăn do nhu cầu chậm chạp và bất ổn thương mại trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra, quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và các mối đe dọa địa chính trị khác.
>> Vượt Đức, Pháp, các quốc gia từng nợ ngập đầu bây giờ đang gánh tăng trưởng cho cả châu Âu