Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc báo lỗ khủng, thị trường đang đối mặt điều gì?
Trên sàn chứng khoán, báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy tổng dư nợ vay của khối bất động sản tính đến ngày 30/6/2024 đã vượt hơn 491.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Tiến Phước (Tiến Phước Group) đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 181 tỷ đồng. Đáng chú ý, cùng kỳ năm 2023, doanh nghiệp này cũng báo lỗ cả trăm tỷ đồng, trong khi cả năm 2023 lỗ gần 160 tỷ đồng.
Dù Tiến Phước Group nổi bật với nhiều dự án lớn, tình hình kinh doanh của họ trong những năm gần đây không ngừng suy giảm.
Hiện tại, doanh nghiệp này có tổng nợ phải trả lên đến 8.507 tỷ đồng, gấp 4,1 lần vốn chủ sở hữu trong đó, dư nợ trái phiếu so với vốn chủ sở hữu là 0,14, tương đương khoảng 290 tỷ đồng.
Tình trạng tương tự diễn ra với CTCP Tập đoàn Danh Khôi. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét của công ty cho thấy lỗ sau thuế hơn 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 7 tỷ đồng. Đáng chú ý, Danh Khôi hiện đang quá hạn thanh toán trái phiếu.
Tính đến ngày 30/6, Danh Khôi có nợ tài chính ngắn hạn hơn 342 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 46 tỷ đồng, trong đó hơn 256 tỷ đồng là nợ trái phiếu. Đặc biệt, doanh nghiệp còn chưa thanh toán 139,5 tỷ đồng trái phiếu quá hạn, cùng với gần 24 tỷ đồng tiền lãi.
>> Siêu dự án khu nhà ở hơn 11.000 tỷ đồng của Phát Đạt (PDR) đón tin vui
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính bán niên của nhiều doanh nghiệp bất động sản khác sau khi được kiểm toán cũng ghi nhận tình trạng chuyển từ lãi sang lỗ hoặc lỗ gia tăng.
CTCP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) cũng ghi nhận lỗ thêm 100 tỷ đồng sau khi soát xét, nâng tổng lỗ lên hơn 396 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024. LDG giải thích rằng nguyên nhân do việc kiểm toán điều chỉnh trích lập bổ sung dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
Trên sàn chứng khoán, báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy tổng dư nợ vay của khối bất động sản tính đến ngày 30/6/2024 đã vượt hơn 491.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG), dòng tiền tiếp tục là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh các khoản nợ và lô trái phiếu dù đã được gia hạn nhưng vẫn còn kéo dài đến 2024 và 2025.
Ngoài ra, những khó khăn pháp lý trong việc phát triển dự án cũng góp phần làm tăng thêm áp lực cho các doanh nghiệp bất động sản. Một số luật đã được thông qua nhưng vẫn còn mâu thuẫn, chưa có hướng dẫn cụ thể. Thị trường cũng đang gặp khó khăn do sự mất cân đối giữa cung và cầu, ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, kéo theo thanh khoản giảm và hàng tồn kho tăng cao.
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, vấn đề của các doanh nghiệp bất động sản không chỉ nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao, mà còn ở năng lực hấp thụ vốn thấp. Khi thanh khoản thị trường giảm, doanh thu giảm và biên lợi nhuận thu hẹp, nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư cũng suy giảm.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động đáng kể đến thị trường bất động sản. Mặc dù thị trường đã có những dấu hiệu hồi phục, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề khan hiếm nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ và các vướng mắc pháp lý.
Hiện tại, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn hồi phục từ đáy, và chưa thể tạo ra những đột phá lớn.