Hãng xe điện Mỹ nộp đơn xin phá sản: Xe lỗi, khách khiếu nại, nợ lớn
Hãng xe điện khởi nghiệp của Mỹ Fisker đã chính thức nộp đơn xin phá sản vào thứ Hai vừa qua, sau những ồn ào về chất lượng xe cũng như những yếu kém về quản trị tài chính.
Đầu tuần này, Fisker đã ghi tên mình vào danh sách các công ty khởi nghiệp xe điện của Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Đơn của Fisker được một tòa án ở Delaware (Mỹ) tiếp nhận hôm 17/6.
Lý do được đưa ra là hãng không còn đủ năng lực tài chính để duy trì hoạt động sau khi đã đốt tiền sản xuất mẫu xe điện đầu tiên Fisker Ocean.
Theo hồ sơ xin bảo hộ phá sản, công ty đã liệt kê tổng tài sản ước tính từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD (25.452 tỷ đồng) và nợ phải trả từ 100 triệu USD đến 500 triệu USD (12.726 tỷ đồng). Các chủ nợ lớn nhất của Fisker bao gồm Adobe, Alphabet của Google, SAP...
Vào trung tuần tháng 3/2024, Fisker đưa ra thông báo ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất, ban đầu dự kiến trong vòng 6 tuần để tìm cách tháo gỡ các khó khăn về tài chính.
Ông Henrik Fisker, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập thương hiệu Fisker thừa nhận, chiếc SUV điện Ocean của hãng gặp nhiều vấn đề về chất lượng vận hành. Lỗi phần mềm khiến Fisker liên tục phải cắt giảm kế hoạch sản xuất của mình.
Năm ngoái, khoảng 10.000 chiếc Fisker Ocean đã được xuất xưởng nhưng chỉ có 1/2 trong số đó giao đến tay khách hàng. Quý I/2024, hãng cũng mới chỉ bàn giao đến tay khách hàng khoảng 1.300 xe.
Trên thực tế, mẫu xe điện đầu tiên của Fisker bị người dùng liên tục khiếu nại về các sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng.
Cơ quan Quản lý an toàn giao thông quốc gia (NHTSA) đã thông báo xem xét về những khiếu nại này. Vụ việc khiến uy tín của công ty giảm sút nghiêm trọng.
Tháng 2 năm nay, Fisker Ocean còn bị một YouTuber nổi tiếng Marques Brownlee đánh giá là chiếc xe tệ nhất và không xứng đáng để mua.
Đây là lần phá sản thứ hai của ông Henrik Fisker trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Năm 2007, nhà thiết kế ô tô người Đan Mạch này hợp tác với Bernhard Koehler và Quantum Technologies thành lập Fisker Automotive.
Năm 2015, công ty ô tô này phá sản và được bán lại cho tập đoàn Trung Quốc Wanxiang ngoại trừ thương hiệu Fisker.
Năm 2016, Henrik Fisker tiếp tục thành lập pháp nhân mới là Fisker hiện nay.
Ngày 13/7/2020, Fisker chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên Sở giao dịch chứng khoán New York thông qua việc sáp nhập với Spartan Energy Acquisition Corp, một SPAC được hỗ trợ bởi Công ty Apollo Global Management.
Ngày 30/10/2020, Fisker được niêm yết, giao dịch công khai trên Sở giao dịch chứng khoán New York với mã cổ phiếu FSR.
Giá trị vốn hóa của Fisker trên thị trường khi đó ở mức 2,9 tỷ USD với tổng tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD.
Tháng 11/2021, Fisker giới thiệu mẫu xe điện đầu tiên, SUV cỡ D Fisker Ocean với 3 phiên bản, giá từ 37.500 USD-69.000 USD.
Đến tháng 8/2023, Fisker gây ấn tượng khi giới thiệu tiếp 4 mẫu xe điện gồm: hatchback Fisker Pear, bán tải Alaska và siêu xe điện mui trần Ronin và Fisker Force E.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, hàng loạt vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra với Fisker như lỗ lớn, mất khả năng trả nợ, cổ phiếu bị hủy niêm yết, hàng chục nghìn khách hàng hủy đơn đặt mua ô tô... Đặc biệt, Fisker còn gặp bê bối lớn trong nghiệp vụ tài chính khi "mất" dữ liệu ghi nhận doanh số hàng triệu USD tiền bán xe và các giao dịch với khách trên hệ thống phần mềm quản lý của mình.
Garrett Nelson, Phó Chủ tịch và nhà phân tích chứng khoán tại CFRA Research cho biết: "Fisker đã phải vật lộn để tồn tại trong nhiều tháng nay, vì vậy thông báo được đưa ra hôm thứ Hai không có gì đáng ngạc nhiên. Đây không phải là công ty khởi nghiệp xe điện đầu tiên tuyên bố phá sản. Và chúng tôi không nghĩ đây sẽ là công ty cuối cùng".
Trong 2 năm trở lại đây, một số công ty khởi nghiệp xe điện của Mỹ đã phải nộp đơn xin phá sản như Proterra, Lordstown và Electric Last Mile Solutions.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự cạnh tranh đầy khốc liệt của thị trường xe điện, nhu cầu mua sắm sụt giảm, việc gọi vốn trở nên khó khăn.
Cùng với đó là hàng loạt thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô đến từ các vấn đề công nghệ kỹ thuật và chuỗi cung ứng toàn cầu.
>> Siêu cường đụng độ: Trung Quốc tung đòn 'đáp trả' châu Âu, nguy cơ chiến tranh thương mại cận kề?