'Hạt ngọc trời’ của Việt Nam gặp khó sau khi lập kỳ tích trong năm 2024
Năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 627 USD/tấn, tăng 9% so với năm trước, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý IV năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị. Được mệnh danh là "hạt ngọc trời", loại nông sản này đạt sản lượng xuất khẩu khoảng 9,18 triệu tấn, đem về 5,75 tỷ USD, tăng 12% về lượng và tăng khoảng 23% về giá trị.
Năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 627 USD/tấn, tăng 9% so với năm trước, đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Nhờ vậy, giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng hơn 28% và đưa kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 con số.
Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ với 17 triệu tấn và Thái Lan với 10 triệu tấn.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines.
Ngoài ra, trong năm qua, Việt Nam cũng nhập nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan,... để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Bên cạnh đó, nước ta cũng nhập khẩu gạo từ Campuchia để phục vụ cho chế biến cũng như xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2025, thị trường nội địa lẫn xuất khẩu gạo có sự lao dốc khiến người nông dân gặp khó khăn.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật đến ngày 8/1, giá xuất khẩu gạo đã giảm sâu. Cụ thể, giá xuất khẩu hiện chỉ còn 460 USD/tấn với gạo 5% tấm, giảm thêm 7 USD/tấn; 432 USD/tấn với gạo 25% tấm, giảm 5 USD/tấn.
So với hàng cùng loại của Thái Lan, gạo 5% tấm của Việt Nam giá thấp hơn 30 USD/tấn, giá gạo 25% tấm thấp hơn 15 USD/tấn.
Lý giải về điều này, ông Hải cho biết, giá gạo không thể nào tăng mãi, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Bên cạnh đó, ông chia sẻ thêm: “Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam".
Trước tình hình này, với vai trò quản lý Nhà nước, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01 là nghị định đầu tiên của năm 2025, là sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ông Tân nói: “Trong đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới”.
>>Loại quả giúp Việt Nam ‘bỏ túi’ hàng triệu USD, ‘vượt mặt’ Philippines trên đất nước tỷ dân