Vĩ mô

Vì sao xuất khẩu đứng top 3 thế giới nhưng Việt Nam vẫn chi hơn 2,6 tỷ USD để nhập khẩu một mặt hàng được ví như ‘vàng trắng’?

Phúc Lam 08/01/2025 0:02

Trong 11 tháng năm 2024, Campuchia cung cấp hơn 749 nghìn tấn mặt hàng này cho Việt Nam.

Mủ cao su được ví như ‘vàng trắng’ vì nó mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người trồng. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ 3 trên thế giới, chiếm 17,4% tổng thương mại cao su toàn cầu.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,8 triệu tấn cao su, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước; trị giá 2,95 tỷ USD, tăng 17,1%.

Sản lượng giảm nhưng giá trị tăng là do giá cao su xuất khẩu trung bình của nước ta trong 11 tháng năm 2024 đạt 1.675 USD/tấn, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng năm 2024, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 67,6% thị phần. Ở vị trí thứ 2 là Ấn Độ chiếm 7,7% thị phần; các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) chiếm 6% thị phần; Hàn Quốc chiếm 2,5% thị phần.

Ngược lại, trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam chi hơn 2,6 tỷ USD để nhập khẩu hơn 1,6 triệu tấn cao su, tăng 7,7% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Campuchia là nhà cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam với hơn 749 nghìn tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; trị giá hơn 945 triệu USD, tăng 23%. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.260 USD/tấn, so với năm trước tăng mạnh 33%.

Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ 2 và 3 với trị giá lần lượt 358 triệu USD (tăng 47%) và 286 triệu USD (tăng 28%); giá bình quân đạt 1.971 USD/tấn (tăng 5%) và 1.737 USD/tấn (tăng 5%).

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Tỷ trọng xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc còn thấp, chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế.

Vì sao xuất khẩu đứng top 3 thế giới nhưng Việt Nam vẫn chi hơn 2,6 tỷ USD để nhập khẩu một mặt hàng được ví như ‘vàng trắng’?
Mủ cao su được ví như ‘vàng trắng’ vì nó mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người trồng - Ảnh: Tạp chí Công Thương

Cao su từng là cây trồng chủ lục phục vụ xuất khẩu, tuy nhiên trong 2 năm gần đây, Việt Nam phải tăng nhập khẩu cao su. Nguyên nhân là giá giảm sâu trong nhiều năm qua nên người dân chuyển sang trồng cây khác, diện tích trồng thu hẹp.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến năng suất và chất lượng mủ cao su. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cao su tự nhiên trên toàn cầu lại tăng trưởng đều đặn ở mức 4-6% mỗi năm, đặc biệt từ các ngành sản xuất lốp xe và thiết bị công nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, ông Lê Thanh Hưng cho biết, quy mô sản lượng mủ cao su của Việt Nam hiện nay đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ 60 – 70% trong số đó là các cây cao su trưởng thành để sẵn sàng khai thác.

Vì vậy, Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn cao su từ các quốc gia khác như Campuchia, Trung Quốc,... để phục vụ chế biến.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế ngành cao su Việt Nam 2024, ông Lê Thanh Hưng cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su ước tính trong năm 2024 đạt khoảng 10,2 tỷ USD, trong đó cao su thiên nhiên dự kiến đạt 3,1 tỷ USD; sản phẩm cao su khoảng 4,6 tỷ USD và gỗ cao su đạt 2,5 tỷ USD.

Dự báo trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 11 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, khai thác tối đa giá trị bền vững từ nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường và tái chế.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Để đạt được những mục tiêu trên, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt”.

>>Việt Nam vừa có một chỉ số kinh tế quan trọng vượt Thái Lan

Xuất khẩu kỷ lục hơn 400 tỷ USD, Bộ Công Thương muốn 'thừa thắng xông lên'

Xuất khẩu gỗ thu 17,3 tỷ USD, đẩy mạnh phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-xuat-khau-dung-top-3-the-gioi-nhung-viet-nam-van-chi-hon-26-ty-usd-de-nhap-khau-mot-mat-hang-duoc-vi-nhu-vang-trang-270148.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao xuất khẩu đứng top 3 thế giới nhưng Việt Nam vẫn chi hơn 2,6 tỷ USD để nhập khẩu một mặt hàng được ví như ‘vàng trắng’?
    POWERED BY ONECMS & INTECH