Hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đạt do... chưa hoàn thiện chính sách thi hành án
Hoạt động của các Cơ quan Thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các TCTD.
“Mặc dù công tác phối hợp giữa Cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu”.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại Tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách Thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng”.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hùng đánh giá, nợ xấu ngành Ngân hàng có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC… thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%.
Trong bối cảnh đó, hoạt động của các Cơ quan Thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các TCTD.
Đại diện VNBA chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn trong việc thu hồi nợ của TCTD là do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.
"Xuất phát từ thực tiễn, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự", ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.
>> VIS Rating: Các ngân hàng nhỏ phải đối mặt với nhiều vấn đề về nợ xấu, rủi ro thanh khoản
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA. Ảnh: VGP/HT |
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế (VNBA) cho hay, đến nay, Tổng cục THADS và các cơ quan liên quan đã tích cực, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Về phía cơ quan THADS, bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, án liên quan đến tín dụng ngân hàng là án lớn, luôn chiếm tỷ lệ cao. Cơ quan THADS luôn quyết tâm thi hành nhưng do tài sản thế chấp, do bản án tuyên không rõ nên dẫn đến việc khó thi hành, khó cưỡng chế. Đây là những lý do khách quan dẫn đến việc khó thi hành của cơ quan THADS đối với các vụ việc tín dụng.
Nợ xấu vẫn là 'quả bom' kinh tế, nguy cơ đạt đỉnh vào quý III
VIS Rating: Các ngân hàng nhỏ phải đối mặt với nhiều vấn đề về nợ xấu, rủi ro thanh khoản