Hòa Phát đón loạt tin tích cực, thị giá HPG được dự báo bật tăng 24% trong ngắn hạn
Về góc nhìn kỹ thuật, công ty chứng khoán nhận định cổ phiếu HPG cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn và có thể cán mốc 31.700 đồng/cp.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 9 đạt mức cao nhất trong vòng một năm
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh tháng 9/2023 với sản lượng sản xuất thép thô đạt 635.000 tấn, giảm 7% so với tháng 8. Bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023. Theo Hoà Phát, nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu nhưng tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát nhỉnh hơn tháng 8 vừa qua, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao xuất khẩu ghi nhận 90.000 tấn.
Lợi nhuận quý 3 ước tính đạt hơn 2.000 tỷ đồng
Tại báo cáo phân tích triển vọng cổ phiếu HPG cập nhật ngày 10/10, Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết sản lượng sản xuất thép của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) trong quý 3/2023 đạt 1,95 triệu tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Sản lượng bán hàng các mặt hàng thép của doanh nghiệp đạt 1,7 triệu tấn, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng tới 11,9% so với quý trước.
Trong kỳ, HPG đã tận dụng tốt hạn ngạch xuất khẩu sang EU, nhất là đối với mặt hàng thép HRC, giúp sản lượng tiêu thụ tăng 25,4% đạt mức 766.046 tấn.
Bên cạnh đó, dù HPG liên tục thông báo giảm giá bán thép trong quý 2, 3/2022, việc giá nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc, thép phế giảm sâu, đặc biệt trong quý 2 giúp biên EBITDA cải thiện liên tục, từ ngưỡng 1,9% ở quý 4/2022 lên 11,9% trong quý 1/2023 và 14,9% trong quý 2/2023.
Đối với mặt hàng thép xây dựng, HPG vẫn giữ vững vị trí đầu ngành với thị phần 32,5%. Với lực đẩy từ xuất khẩu, HRC của HPG đã gia tăng thị phần lên mức 38,4%. Trong khi đó sản phẩm ống thép của HPG cũng có vị thế dẫn đầu thị trường tương đối vững chắc với thị phần đạt 28,1%.
Theo đó, nhóm phân tích dự báo doanh thu thuần quý 3/2023 của HPG đạt 30.651 tỷ đồng, giảm 10,12% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 4% so với quý trước, do HPG được hưởng lợi nhiều từ việc xuất khẩu HRC sang EU. Biên lợi nhuận gộp kỳ vọng tiếp tục cải thiện.
“Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của HPG trong quý 3 sẽ đạt 2.035 tỷ đồng, đạt biên lợi nhuận ròng 6,6%, so với mức 4,9% của quý 2/2023 và -5,24% của cùng kỳ năm ngoái”, PSI dự phóng.
“Siêu dự án” 85.000 tỷ đồng được gỡ vướng
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, huyện Bình Sơn.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Minh cho biết, khối lượng giải phóng mặt bằng của huyện Bình Sơn lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của huyện còn chậm so với yêu cầu đặt ra.
Đối với những vướng mắc liên quan đến dự án Hòa Phát Dung Quất 2, hiện trụ sở Agribank Dung Quất đang nằm trong vùng dự án, lãnh đạo tỉnh Quảng yêu cầu Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn đơn vị này xử lý theo đúng quy trình, UBND huyện Bình Sơn thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng trước ngày 31/11/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Sơn phối hợp với các sở, ngành hoàn thành nhiệm vụ theo đúng mốc thời gian. Chủ tịch UBND huyện phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Khu kinh tế Dung Quất.
Theo dự kiến, dự án Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4.6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.
Hòa Phát sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô của nhà sản xuất này lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021 với diện tích 279 ha, do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 85.000 tỷ đồng
Tiềm năng cổ phiếu HPG
Sau loạt thông tin tích cực được công bố kết hợp cùng diễn biến giá cổ phiếu HPG, Chứng khoán Vietinbank (CTS) đã đưa khuyến nghị mua đối với mã thép này, lợi nhuận kỳ vọng từ 12-24%
Hiện tại cổ phiếu HPG ghi nhận chỉ báo MACD diễn biến tích cực từ 06/10/2023 kết hợp cùng với chỉ báo định hướng trung bình ADX hiện tại nằm ở mức 26,41 cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn.
Quý nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mua cổ phiếu HPG ở vùng giá 25.500-26.000 đồng. CTS nhận định cổ phiếu HPG có thể biến động tích cực trong thời gian tới.
Theo đó, nhóm phân tích CTS gợi ý chiến lược đầu tư với cổ phiếu HPG như sau:
Vùng giá mua: 25.500-26.000 đồng;
Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 1: 28.600 đồng;
% Lợi nhuận dự kiến: 12%;
Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 2: 31.700 đồng;
% Lợi nhuận dự kiến: 24%;
Ngưỡng cắt lỗ: Giá đóng cửa dưới 22.900 đồng;
Thời gian nắm giữ: 2 tháng.
Lợi nhuận doanh nghiệp thép có thể tăng hơn 70% trong năm 2024?
Đón sóng mùa báo cáo tài chính quý 3, CTCK điểm tên 6 cổ phiếu có khả năng bật tăng
Hòa Phát (HPG): 'Quân bài' chiến lược mở đường vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD
Hòa Phát (HPG) tiết lộ thời điểm siêu dự án 85.000 tỷ đồng hoạt động tối đa công suất