Doanh nghiệp

Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long nộp 10.400 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm

Huy Hoàng 01/11/2024 - 11:24

Thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7.308 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu hợp nhất đạt 34.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.022 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 105.329 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.210 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 92% kế hoạch lợi nhuận.

Tính từ đầu năm, Hòa Phát ghi nhận đã nộp 10.442 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước, trong đó thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu chiếm phần lớn với 7.308 tỷ đồng, tiếp theo là thuế xuất khẩu 1.039 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp 885 tỷ đồng. Trước đó, 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận khoản thuế nộp là hơn 7.400 tỷ đồng, như vậy riêng trong quý III, công ty của tỷ phú Trần Đình Long đã nộp khoảng 3.000 tỷ đồng tiền thuế.

Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long nộp 10.400 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm
Hòa Phát đã nộp 10.442 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm

Về chất lượng tài sản, tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của Hòa Phát đạt hơn 211.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của công ty ở mức 99.600 tỷ đồng, tăng hơn 14.600 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay đạt 78.697 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với cuối quý II và cao hơn 13.000 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là sự gia tăng của nợ dài hạn. Đây cũng là mức dư nợ vay cao kỷ lục của Hòa Phát từ khi thành lập đến nay. Trong kỳ, công ty đã chi 525 tỷ đồng trả lãi vay, tương đương gần 6 tỷ đồng mỗi ngày.

Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long nộp 10.400 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm
Nguồn: Tổng hợp

Việc tăng mạnh nợ vay chủ yếu nhằm phục vụ cho dự án trọng điểm Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với diện tích 700ha và tổng vốn đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền chính của phân kỳ 1 và đạt 50% tiến độ của phân kỳ 2. Lò cao đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2024, và các dây chuyền đúc và cán thép sẽ bắt đầu vận hành trong tháng 12, đưa phân kỳ 1 vào hoạt động chính thức. Phân kỳ 2 được lên kế hoạch hoàn thành vào quý IV/2025.

Khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 đi vào hoạt động, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn, giúp Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép HRC lớn nhất Việt Nam, khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp thép của cả nước.

>>Dồn lực cho 'quả đấm thép' 85.000 tỷ đồng, nợ vay Hòa Phát (HPG) chạm mức cao kỷ lục

Dồn lực cho 'quả đấm thép' 85.000 tỷ đồng, nợ vay Hòa Phát (HPG) chạm mức cao kỷ lục

Tập đoàn Hoà Phát tài trợ 10 tỷ đồng cho bà con Lào Cai tái thiết sau bão số 3

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-cua-ty-phu-tran-dinh-long-nop-10400-ty-dong-tien-thue-trong-9-thang-dau-nam-257442.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long nộp 10.400 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH