Hơn 1.000 người chết trong cơn bão tồi tệ nhất thế kỷ ở Pháp
Mayotte là khu vực nghèo nhất của Pháp và cách Paris gần 5.000 dặm trên Ấn Độ Dương - một nhân chứng cho biết thiệt hại do cơn bão gây ra trông giống như "hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân".
Theo quan chức cấp cao của hòn đảo này, gần 1.000 người có thể đã thiệt mạng sau khi cơn bão Chido đổ bộ vào Mayotte ở Ấn Độ Dương.
"Chắc chắn sẽ có hàng trăm người thiệt mạng, có thể lên đến cả nghìn người, thậm chí là vài nghìn người", ông Francois-Xavier Bieuville, tỉnh trưởng Mayotte, nói trên kênh truyền thông địa phương Mayotte La 1ere.
Cơn bão Chido đã đổ bộ vào Mayotte vào đêm ngày 14/12, theo thông báo của Meteo-France, với sức gió kinh hoàng trên 200 km/h, gây hư hại nhà cửa, các tòa nhà chính phủ và một bệnh viện. Đây là cơn bão mạnh nhất trong hơn 90 năm qua tấn công quần đảo này, theo cơ quan khí tượng.
"Thực sự, những gì chúng ta đang chứng kiến là một thảm kịch, bạn cảm giác như mình đang ở trong cảnh hậu quả của một cuộc chiến hạt nhân. Tôi đã thấy cả một khu phố biến mất", Mohamed Ishmael, một cư dân của thủ đô Mamoudzou, Mayotte, cho Reuters biết qua điện thoại.
Các hình ảnh từ máy bay Gendarmerie Pháp cho thấy hàng trăm ngôi nhà tạm bợ bị phá hủy, trong khi video truyền thông địa phương ghi lại cảnh bệnh viện ngập nước, thuyền cảnh sát bị lật úp và cây dừa xuyên thủng mái nhà.
Tổng thống Emmanuel Macron đã bày tỏ sự chia buồn: “Tôi xin gửi lời chia buồn tới những người đồng hương ở Mayotte, những người đã trải qua những giờ phút kinh hoàng nhất, và một số người đã mất tất cả, thậm chí mất cả mạng sống”.
Trong vài thập kỷ qua, hàng nghìn người đã cố gắng vượt biển từ Comoros, ngoài khơi Đông Phi, đến Mayotte, nơi có mức sống cao hơn và quyền truy cập vào hệ thống phúc lợi xã hội của Pháp. Hơn 100.000 người di cư không có giấy tờ sinh sống tại Mayotte, theo Bộ Nội vụ Pháp.
Cơ quan chức năng cho biết việc xác định số người chết chính xác sau cơn bão là rất khó khăn, đồng thời lo ngại về việc tiếp cận thực phẩm, nước và các dịch vụ vệ sinh.
"Về con số thiệt hại, sẽ rất phức tạp, vì Mayotte là một vùng đất Hồi giáo, nơi người chết được chôn cất trong vòng 24 giờ", một quan chức Bộ Nội vụ Pháp cho biết trước đó.
Bộ này cho biết 1.600 cảnh sát và hiến binh đã được điều động để hỗ trợ lực lượng cứu hộ và lính cứu hỏa địa phương từ Mayotte và đảo Reunion gần đó.
Hàng tiếp tế cũng được chuyển đến nhanh chóng bằng máy bay và tàu quân sự.
Thảm họa này là thử thách đầu tiên đối với Thủ tướng Francois Bayrou, chỉ vài ngày sau khi ông được Macron bổ nhiệm sau sự sụp đổ của chính phủ trước đó.
Cơn bão đã tiếp tục đổ bộ vào miền Bắc Mozambique vào Chủ nhật, nhưng mức độ ảnh hưởng chưa được xác định rõ ràng. Công ty giám sát internet NetBlocks cho biết trên X rằng mưa lớn và gió mạnh đã làm hư hại cơ sở hạ tầng điện và viễn thông.
Tại Comoros, hai người bị thương nhẹ, 24 người bị di dời và 21 ngôi nhà bị phá hủy, các cơ quan chức năng cho biết.
Mayotte, cách Paris gần 8.000km, vốn là một vùng đất nghèo, với hơn 75% dân số sống dưới mức nghèo khó của Pháp. Địa phương này còn chịu áp lực từ làn sóng di cư lậu, với hơn 100.000 người nhập cư không giấy tờ.
Pháp đã xâm chiếm Mayotte vào năm 1843 và sáp nhập toàn bộ quần đảo, bao gồm cả Comoros, vào năm 1904. Trong một cuộc trưng cầu ý dân năm 1974, 95% người dân ủng hộ việc tách ra nhưng 63% dân số Mayotte đã chọn ở lại với Pháp. Grande Comore, Anjouan và Moheli tuyên bố độc lập vào năm 1975. Mayotte vẫn do Paris cai trị.
Hiện tại, chính quyền và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân vượt qua thảm họa này.
Theo Reuters, Sky News
>> Siêu bão Manyi tàn phá Philippines, ít nhất 8 người thiệt mạng